Home / Blog / Personal Development / 10 điều cần đánh đổi cho một cuộc đời ngoại hạng

10 điều cần đánh đổi cho một cuộc đời ngoại hạng

Bất cứ thứ gì cũng có giá của nó, thành công trong cuộc sống cũng vậy. Nếu một người khát khao có được một cuộc đời ngoại hạng, một điều hiển nhiên là họ phải chấp nhận trả giá cho thành công.

Ở đây, tôi không nói thành công không nhất thiết là phải giàu nứt đố đổ vách, cũng không phải là leo lên vị trí cao nhất trong tổ chức. Thành công, đối với tôi đó là “xác định được lẽ sống, sau đó là nỗ lực hết mình để vươn đến tiềm năng tối đa và gieo những hạt mầm lợi ích cho xã hội.” Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là xác định được đỉnh núi mà tôi muốn chinh phục, sau đó kiên trì leo lên từng bậc, đồng thời cúi xuống để kéo mọi người cùng lên cùng bậc với mình trước khi lên đến bậc cao hơn.

Dĩ nhiên, mỗi người có một đỉnh núi khác nhau mà họ muốn chinh phục. Đỉnh núi càng cao càng cần nhiều sự đánh đổi. Với riêng tôi, đỉnh núi mà tôi chọn tương đối cao, do đó nó đòi hỏi tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Nếu bạn cũng đang muốn chinh phục những đỉnh cao trong sự nghiệp giống tôi, dưới đây là 10 điều chắc chắn tôi và bạn phải đánh đổi và cần chuẩn bị cho điều đó.

  1. Đánh đổi sự đồng thuận cho việc hoàn thành mục tiêu lớn.
    Tôi không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Bất cứ quyết dinh nào trong công việc và cuộc sống đều sẽ có người đồng thuận và người phản đối. Do đó thay vì tìm một giải pháp có thể làm hài lòng tất cả, tôi sẽ tìm giải pháp để giúp hoàn thành kế hoạch. Và hiển nhiên, khi kế hoạch lớn hoàn thành, mọi người đều có lợi.
  2. Đánh đổi sự an toàn cho cuộc sống có ý nghĩa.
    Mọi người đều muốn an toàn, muốn bảo vệ những lợi ích & tài sản của cá nhân mình. Nhưng một người được nhớ đến không phải do những gì họ có được, mà là do những gì họ cho đi. Tôi không nói phải nhất thiết cho đi tiền bạc, nhưng ta có thể cho thời gian, sự quan tâm, chất xám và những trải nghiệm cá nhân để nâng đỡ những thế hệ sau này.
  3. Đánh đổi lợi ích tài chính cho những tiềm năng tương lai.
    Có những thứ khi thực hiện sẽ không mang lại cho ta lợi ích về tài chính nhất thời, nhưng sẽ giúp ta gia tăng năng lực và tiếp cận với những cơ hội tốt hơn. Giống như việc đi học sẽ khiến ta mất thời gian và mất tiền, nhưng sẽ giúp ta kiếm được nhiều hơn sau này, hoặc giúp ta có cơ hội du học, định cư nước ngoài. Điều này nên được tiếp tục duy trì trong suốt chặng đường lập nghiệp.
  4. Đánh đổi sự thoải mái nhất thời cho phát triển cá nhân.
    Thường buổi tối ta sẽ mong muốn được nghỉ ngơi sau 1 ngày đi làm, thay vì phải học hoặc làm thêm. Nhất là khi thu nhập giờ hành chính bắt đầu trở nên dư dả. Tuy nhiên thời gian sau giờ làm việc chính là lúc một người nên dành để mài sắt lưỡi rìu của mình sau một ngày đốn củi, có như vậy lưỡi rìu mới luôn sắc bén để có thể đốn được nhiều củi hơn.
  5. Đánh đổi khám phá để tập trung.
    Tuổi trẻ thường muốn khám phá nhiều hướng đi mới, điều đó tốt để giúp ta xác định được sở trường & đam mê. Nhưng càng trưởng thành, ta càng cần phải tập trung nhiều hơn, đặc biệt là sau khi đã xác định rõ ràng mục tiêu sự nghiệp, ta cần phải giữ 100% sự mục tiêu cho hướng đi đã chọn. Cỏ chỉ xanh ở nơi nào được tưới.
  6. Đánh đổi số lượng để có được chất lượng.
    Thay vì tìm cách để sở hữu nhiều thứ làng nhàng, hãy sở hữu một vài thứ thật sự chất lượng. Hãy chọn một hoặc nhiều lắm là 2 lĩnh vực để biến mình thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Thay vì có hàng trăm hàng nghìn mối quan hệ xã giao, hãy chọn một người có đủ tâm, tầm, tài để theo học hỏi từ họ, đồng thời xây dựng tối đa 10 mối quan hệ tri kỷ để cùng ta đi đến cuối con đường.
  7. Đánh đổi sự vừa đủ để hoàn thiện.
    Đôi khi ta thường mong muốn những kết quả tốt nhất nhưng chỉ làm việc ở mức trung bình. Kết quả đánh giá cuối năm xuất sắc chỉ đến khi ta làm việc ở cùng mức độ. Hãy luôn làm việc hết mình trong bất cứ thứ gì bạn đang theo đuổi.
  8. Đánh đổi cấp số cộng để tạo ra cấp số nhân.
    Làm việc một mình là cấp số cộng, hướng dẫn và hỗ trợ đội ngũ cùng làm sẽ tạo ra cấp số cộng. Cấp số cộng có giới hạn, bởi ta chỉ có 24h mỗi ngày, nhưng cấp số nhân sẽ tiếp tục gia tăng một khi ta tiếp tục mở rộng đội ngũ.
  9. Đánh đổi hiệp một cho hiệp hai.
    30 năm đầu là hiệp một, 30 năm sau là hiệp hai. Những gì ta nỗ lực và đầu tư trong hiệp một sẽ tạo ra kết quả khi bước vào hiệp hai. Trước 30 tuổi đừng tập trung quá nhiều vào kết quả, hãy tập trung gieo hạt và chăm sóc những hạt mầm đó, rồi bạn sẽ có một vụ mùa bội thu.
  10. Đánh đổi làm việc cho sếp để làm sếp.
    Thay vì làm một quân cờ quan trọng trong cuộc chơi của người khác, hãy tạo ra cuộc chơi cho chính bạn. Chỉ khi một người bước ra nhận lãnh trách nhiệm làm chủ cuộc sống, thời gian và sự nghiệp của mình, họ mới có thể đạt đến những tiềm năng cao nhất trong đời.

Bạn thân mến, một nhà vô địch không được tạo nên khi họ bắt đầu và chiến thắng cuộc chơi, mà là bởi những gì họ chuẩn bị và tập luyện hàng ngày cho cuộc chơi đó. Một người thành công cũng vậy, họ không thành công sau một ngày, mà là quá trình học tập, làm việc tích lũy qua nhiều năm trời. Những gì đánh đổi ở hiện tại, chính là sự đầu tư để đạt được thành quả lớn trong tương lai.

Tôi chúc bạn có đủ sự mạnh mẽ & dũng cảm để có thể tiếp tục đánh đổi và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Tích lũy tài chính thế nào cho ổn?

Mục tiêu chung của hầu hết người đi làm, nói một cách thẳng thắn thì ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.