Home / Blog / My Sharing About Life / CHO ĐI LÀ CÁCH NHẬN VỀ BỀN VỮNG NHẤT

CHO ĐI LÀ CÁCH NHẬN VỀ BỀN VỮNG NHẤT

Đây là bài học đầu tiên mà người cố vấn dạy cho tôi từ những ngày đầu lập nghiệp. Thật tình mà nói, vào thời điểm đó, câu nói này đối với tôi giống như một lời “giáo điều rỗng tuếch”. Bởi từ trước đến giờ, tất cả những thành tích khiến tôi tự hào về bản thân nhất, tất cả đều do tôi nỗ lực “giành lấy” để có được. Sự nghiệp của tôi trải qua hàng trăm kỳ thi, từ thi học sinh giỏi này nọ, đến thi vào trường chuyên lớp chọn, thi vào đại học, thi tuyển vào công ty… Tất cả, tôi đều phải giành giật cái vé với hàng trăm, hàng nghìn bạn bè cùng lứa khác. Do đó đầu óc tôi đầy những hoài nghi khi được biết đến khái niệm “cho đi là cách nhận về bền vững nhất”.

Một vài thời gian sau đó, khi đọc hồi ký từ những người thành đạt như Steve Jobs, Donald Trump, Rich Devos, họ cũng chia sẻ rằng những thành công lớn của họ được xây dựng dựa trên nền tảng của sự cho đi. Thêm nữa, tôi có những ước mơ và hoài bão lớn, tôi cũng biết cách làm hiện tại, cách nỗ lực hết sức để giành lấy không thể giúp tôi hoàn thành được mục tiêu lớn của mình. Do đó, dù không thật sự tự tin tưởng vào cách “cho đi để nhận về”, nhưng tôi có niềm tin lớn với tấm gương của những người đi trước, và đặc biệt tin tưởng tuyệt đối vào những lời dạy của người cố vấn, tôi quyết định mình sẽ xây dựng sự nghiệp của mình theo cách hoàn toàn khác từ trước đến giờ, trở thành một người cho đi.

1-1507618782292-crop-1507618788709[1]

Để trở thành một người cho đi, tôi phải đưa ra quyết định đặt quyền lợi của cá nhân mình xuống dưới cùng trong thang lợi ích. Tôi đưa ra thứ tự ưu tiên rằng, việc mình làm đầu tiên phải mang lại lợi ích cho khách hàng, sau đó đến tổ chức mà tôi đang phục vụ, rồi đến những thành viên nhóm mà tôi đang hỗ trợ, cuối cùng mới đến mình. Việc này nói thì dễ, nhưng thực sự làm thì rất khó, đặc biệt là những khi tôi phải hy sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí là chịu thiệt thòi cho bản thân để đem lại lợi ích cho khách hàng, tổ chức và nhóm làm việc. Trong những năm đầu tiên khởi sự kinh doanh bằng triết lý cho đi, tôi đã nỗ lực để cho đi gần như tất cả những gì có thể, từ công sức, chất xám đến cả tài chính, nhưng bạn biết không, những gì tôi nhận lại cũng không quá nhiều, thu nhập từ kinh doanh thời điểm này cứ trồi sụt và gần như chỉ vừa đủ để bù chi phí.

Bạn biết không, những điều quý giá thường không đến nhanh chóng, những giá trị bạn cho đi, nó cũng cần thời gian để lan toả rồi mới trở lại với bạn bằng cách này hay cách khác. Tôi thường nói đùa rằng, bạn cho đi cái gì đó ở trước mặt, bạn cũng phải đợi đủ lâu để nó đi trọn 1 vòng trái đất rồi mới trở lại phía sau lưng bạn – đúng điểm mà nó khởi đầu.

karma-what-you-give-comes-back-to-you-26536801[1]

Đối với bản thân tôi, phải đến năm thứ 5 sau khi khởi nghiệp, tôi mới thấy được rõ ràng những giá trị đang quay trở lại với mình theo nhiều cách, hơn cả những gì tôi có thể trông đợi và tưởng tượng, thậm chí là lớn hơn nhiều lần so với những gì mà tôi đang cho đi. Giờ đây khi mới bước vào tuổi 30, tôi đã có nền tảng tài chính vững chắc, những kỹ năng sống cần thiết, những mối quan hệ hữu hảo với những người thành đạt khác trong xã hội, cũng như có được sự coi trọng của nhiều người. Tôi nghĩ nếu vẫn làm theo cách cũ, có thể mãi đến năm 60 tuổi tôi mới có được những điều này, như vậy chẳng phải tôi đã rút ngắn được gần nửa cuộc đời rồi đó sao. Thật may mắn, từ giờ đến năm 60 tuổi, tôi còn gần 30 năm nữa để tiếp tục cho đi và xây dựng những thành tựu lớn lao hơn nữa.

TÔI ĐÃ CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI NHỮNG GÌ?

Năm 2014, tôi giữ vị trí nhóm trưởng tại một công ty kỹ thuật song song với việc điều hành kinh doanh ngoài giờ. Tôi quyết định hy sinh một số quyền lợi của mình tại công ty để giúp cho các bạn trong nhóm làm việc có được chế độ lương, thưởng tốt hơn, tôi cũng đồng thời chỉ hết những bí kíp của mình cho các bạn kỹ sư ít kinh nghiệm hơn. Mặc dù là trưởng nhóm nhưng thật buồn cười là lương của tôi lại thấp hơn so với các bạn trong nhóm, tôi nghĩ điều này không thường xảy ra trong bộ máy doanh nghiệp truyền thống. Điều mà tôi nhận được, đó chính là tôi có nhiều thời gian và sự tập trung hơn để phát triển năng lực bản thân và doanh nghiệp ngoài giờ của tôi, bởi hầu hết những việc khó ơn công việc giờ hành chính, các bạn trong nhóm đã thay tôi đảm nhận. Vài năm sau, do công ty chuyển đổi cơ cấu, nhiều dự án phải đóng lại, trong đó có dự án của tôi, nhiều thành viên lo lắng đi tìm bến đỗ mới. Tuy nhiên điều này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến tôi, đặc biệt là nguồn thu nhập, bởi vì lúc này việc kinh doanh ngoài giờ của tôi đã đi vào ổn định.

Tôi nhớ lại giai đoạn năm 2012, thời đó thương mại điện tử và Internet chưa được phổ biến như bây giờ, tôi thường phải trực tiếp đến gặp mặt trực tiếp khách hàng để phát triển kinh doanh. Đặc biệt những dịp cuối tuần, khi hầu hết bạn bè nghỉ ngơi, tôi lại chạy xe đi về cả trăm km để hỗ trợ nhóm kinh doanh và khách hàng của họ ở thị trường tỉnh. Tôi không lấy phí đào tạo cho nhóm, thậm chí doanh số bán hàng nếu có, phần trả về cho tôi cũng chỉ đủ tiền xăng xe. Thời điểm đó tôi cứ như người đi làm không công trong suốt mấy tháng ròng. Nhưng sau 3 năm, khi nhóm kinh doanh ở tỉnh trưởng thành, kế đến là hệ thống đặt hàng online, giao hàng tận nhà của bên đối tác cung cấp sản phẩm hoàn thiện, tôi bắt đầu trải nghiệm được định nghĩa thu nhập thụ động là như thế nào. Mặc dù tôi không dành nhiều thời gian cho các thị trường mà mình đã bỏ công xây dựng lúc trước, nhưng điều đáng mừng là hàng tháng doanh số vẫn đến và tăng trưởng đều đặn.

Vào giữa năm 2015, tôi bắt đầu nghiên cứu và định hướng lại kinh doanh dựa trên nền tảng marketing trên mạng xã hội và internet. Sau khi nghiên cứu những tài liệu của các doanh nhân nước ngoài, sau đó chỉnh sửa lại cách làm cho phù hợp với môi trường ở Việt Nam, tôi đã đạt được những kết quả cực kỳ khả quan. Sau đó tôi nhận được lời mời chia sẻ về bí quyết thành công từ các nhóm doanh nhân cùng lĩnh vực. Theo lẽ thường, doanh nhân nào cũng muốn giữ những bí mật kinh doanh của mình, bởi đó là lợi thế cạnh tranh giúp họ có thể đứng vững trên thương trường. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ một mình đứng trên đỉnh núi thì chẳng phải rất cô đơn sao? Vậy tại sao mình không cùng dẫn những người khác cùng leo lên đỉnh với mình. Cuối cùng, tôi nhận lời chia sẻ và chuyển giao những kinh nghiệm của mình để giúp các bạn, để cùng nhau tạo nên một cộng đồng doanh nhân Việt vững mạnh và cùng chinh phục những đỉnh cao mới. Cái bạn cho đi giá trị như thế nào, thì cái bạn nhận về nó cũng sẽ giá trị như vậy. Thông qua việc chia sẻ bí kíp của mình, tôi có dịp được kết nối với những doanh nhân giỏi khác, tôi không chỉ học hỏi thêm được nhiều từ họ, mà còn được họ giúp sức để nâng cấp và hoàn thiện các công cụ vận hành kinh doanh.

CHO ĐI NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

Nếu bạn đã, đang hoặc muốn trở thành một người doanh nhân cho đi, dưới đây là một số dặn dò dựa trên những trải nghiệm của tôi dành cho bạn.

  1. Hãy cho đi vô tư, đừng trông đợi bạn sẽ nhận được những gì. Tôi tin vào nhân quả, do đó tôi tin khi mình cho đi thì việc nhận về sẽ là điều hiển nhiên. Vi vậy tôi cũng không cần phải bận tâm trông đợi hay đòi hỏi mình phải nhận được gì khi cho đi. Tôi xem mình như một người nông dân đang gieo hạt lúa. Anh nông dân không biết trước được khi gieo thì hạt nào sẽ nảy mầm, rồi khi hạt nảy mầm thì trên cây sẽ cho bao nhiêu hạt mới. Nhưng anh nông dân biết được rằng khi tiếp tục gieo hạt, tiếp tục chăm sóc những mầm non thì tương lai anh sẽ có một vụ mùa bội thu.
  2. Muốn nhận cái gì, hãy cho cái đấy. Muốn được yêu thương, hãy cho đi yêu thương. Muốn được kính trọng, hãy kính trọng mọi người xung quanh. Và…muốn có nhiều tiền, hãy cho đi tiền. Có thể bạn cảm thấy không đồng tình khi tôi nói “muốn có tiền hãy cho đi tiền”, không sao, vì thời điểm đầu tiên khi người cố vấn nói với tôi điều này, tôi cũng cảm thấy mâu thuẫn va không đồng tình. Nhưng giờ tôi mới nhận ra một điều, tiền chính là một công cụ để đo lường giá trị kinh tế của một thứ nào đó. Khi tôi dành thời gian của cá nhân mình để giúp đỡ một ai đó không vụ lợi, thay vì dùng chính thời gian đó để làm việc kiếm tiền, đó cũng là một cách tôi đang cho đi tiền. Những câu chuyện cá nhân tôi kể với bạn phía trên, nó chính là ví dụ thực tế của việc “muốn nhận tiền thì cần cho đi tiền”, bạn đồng ý với tôi chứ?
  3. Ưu tiên cho đi với những người cần bạn giúp đỡ và những người đang giúp đỡ người khác. Đây là bài học mà tôi mới học và nghiệm ra vào năm 2017 và đã giúp tôi thay đổi được quan điểm sống của mình. Trước đây tôi cứ nghĩ mình nên cho đi, nên giúp đỡ tất cả mọi người. Trong khoảng 5 năm trước, bất cứ thành viên mới nào gia nhập vào nhóm kinh doanh của tôi, tôi đều mong muốn giúp họ trở nên thành đạt hơn. Tuy nhiên sau này tôi mới ngộ ra rằng, không phải ai cũng muốn nhận sự giúp đỡ của tôi, bởi vì chưa đúng thời điểm. Để tôi cho bạn một ví dụ, bạn đồng ý rằng ai cũng cần uống nước để sống đúng không, vậy kết quả sẽ ra sao nếu tôi cầm ly nước và cố mời hoặc ép một người mới uống no nước một vài phút trước đó? Tôi đáng lẽ ra phải tìm một người đang khát nước và trao cho họ ly nước đó mới phải. Khi nghiệm ra bài học này, tôi thay đổi cách làm việc của mình, tôi luôn để thời gian biểu của mình trống từ 9h đến 11h tối hàng ngày, để bất kỳ người bạn nào cần hỗ trợ có thể chủ động liên lạc và gặp được tôi vào giờ đó. Nếu ngày nào không có ai cần tôi hỗ trợ, tôi sẽ dùng thời gian đó để nâng cao năng lực bản thân, biến mình thành người giá trị hơn.

———————-

Bạn thân mến, tôi viết những dòng này vào những ngày đầu tiên của năm mới, khi Tết vẫn còn ở trong mùng ^^ Đây coi như một lời nhắn nhủ cho chính bản thân mình, để tôi tiếp tục sứ mệnh #3trieunguoiVietthanhdat của mình. Thông qua những câu chuyện bản thân, tôi cũng muốn động viên những anh em doanh nhân đi sau, để họ có thể nhìn thấy tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết nếu cứ tiếp tục kiên trì và vững bước trên con đường lập nghiệp.

Năm mới chúc bạn  sức khỏe tấn tới, tinh thần phấn khởi, công danh sự nghiệp phấp phới chinh phục những đỉnh cao mới.

Thân.

 

Check Also

Chọn kiếm tiền khó để có sự nghiệp dài lâu

“Ở VN mình, kiếm tiền nhỏ quá dễ, vậy nên nhiều người cứ nghĩ kiếm ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.