“Tự do tài chính”, đó là một cụm từ không còn mới mẻ, đặc biệt là với những bạn sinh sau năm 1990, hoặc với các bạn hay đọc sách về kinh doanh, làm giàu. Tôi nhớ thế hệ 8x của tôi đổ về trước, khi được hỏi mong muốn trong sự nghiệp, thường chúng tôi sẽ nói rằng mình muốn được giàu có. Nhưng với các bạn thế hệ 9x sau này, khi hỏi 10 bạn thì hết 6 bạn trả lời muốn được “tự do tài chính”. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải người nào nói muốn được “tự do tài chính” cũng thực sự hiểu ý nghĩa của cụm từ này. Một vài bạn không biết định nghĩa thế nào, một số thì lấy nguyên định nghĩa từ sách, đó là “một cuộc sống mà được làm những điều mình thích mà không phải lo nghĩ về tiền bạc”. Có một thực tế đau lòng hơn nữa, đó là những bạn muốn “tự do tài chính” mà không định nghĩa được nó, hoặc chỉ định nghĩa chung chung giống trong sách vở, thường đó là các bạn không có bất kỳ kế hoạch nào để thực hiện được nó, và hiển nhiên cũng sẽ chẳng bao giờ đạt được tự do tài chính. Bản thân tôi cũng đã chinh phục nấc thang “tự do tài chính” trong nhiều năm liền, ngót nghét cũng gần chục năm trời cho đến khi cảm nhận được mùi vị của “tự do tài chính” nó là như thế nào. Do đó tôi cũng muốn chia sẻ một vài trải nghiệm của bản thân để giúp cho bạn, một người đang hoặc sẽ chinh phục con đường “tự do tài chính” sẽ có được cái nhìn đúng đắn và một con đường rõ ràng để đạt được mục tiêu này. 1. Định nghĩa lại mục tiêu “tự do tài chính”. Tôi được học rằng, ý nghĩa của tự do tài chính là một người có quyền được lựa chọn làm những việc mà người đó cảm thấy có ích cho chính bản thân họ, và theo chiều ngược lại, họ được lựa chọn KHÔNG LÀM những gì mà họ cảm thấy không có ích. Hay nói một cách khác, người được tự do tài chính là người có quyền được lựa chọn. Định nghĩa này thay đổi lựa chọn của tôi như thế nào? Lúc trước, khi nói về tự do tài chính với định nghĩa cũ, tôi nghi rằng khi tự do tài chính, mình sẽ không cần phải làm việc, và có thể dành thời gian đó để đi chơi đây đó chẳng hạn… Tuy nhiên bạn nghĩ xem, một người ở độ tuổi 20, 30. 40 mà không làm việc đóng góp cho xã hội, chỉ muốn hưởng thụ ăn chơi thì người đó đang lãng phí tuổi trẻ & năng lực làm việc mình. Thậm chí là khi tôi chia sẻ mục tiêu này với những người xung quanh, chẳng ai ủng hộ tôi, bởi vì đơn giản không ai thích chơi với một kẻ lười biếng. Nhưng khi hiểu được định nghĩa đúng đắn về tự do tài chính, tôi thay đổi quan điểm của mình, tôi hiểu rằng tự do tài chính giúp tôi có thể làm việc hiệu quả hơn và đóng góp được nhiều cho xã hội hơn, bởi vì khi không còn bị chuyện tiền bạc chi phối những lựa chọn, tôi có thể chọn làm việc theo chính đam mê & sở trường của mình, cũng như làm việc với mục tiêu nâng cao hiệu suất, đóng góp cho xã hội. Và tôi cũng tìm cách để có thể tạo ra thành quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất chứ không phải chỉ làm việc qua loa để chờ hết giờ giống việc làm công ăn lương. Với tôi, đó là một động lực đúng đắn, từ đó giúp tôi kết nối được nhiều bạn bè hoặc cùng đồng hành hoặc hỗ trợ tôi để thực hiện mục tiêu này. 2. Tự do tài chính không phải là cái đích của bạn trong vòng 5-10 năm nữa. Trong quá trình trải nghiệm, tôi nghiệm ra được rằng, một người cần phải biết độc lập về tài chính, sau đó biết cách gia tăng tài chính theo đúng mong muốn của họ, cuối cùng là mới đạt được tự do tài chính. Hầu hết các bạn trẻ khi mới lập nghiệp đều muốn tự do tài chính, nhưng ở thời điểm đó họ còn phải chật vật trong việc kiếm tiền để nuôi sống chính bản thân, vậy thì tự do tài chính không phải là thứ mà họ cần đạt được ở thời điểm này, họ cần phải độc lập về tài chính trước đã. Khi một người đạt được việc độc lập tài chính, điều này đồng nghĩa họ có quyền đưa ra những lựa chọn cho bản thân mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố nào. Kế đến, họ cần biết cách gia tăng tài chính bằng cách nâng cao hiệu quả lao động của chính bản thân, tìm ra những nguồn thu nhập mới và bắt đầu học cách khiến tiền làm việc cho mình, hoặc học cách kết nối năng lực lao động của nhiều người để tạo nên bội số về thời gian. Trước khi xây dựng được những hệ thống tự vận hành để giúp mình tiến đến tự do tài chính, tôi cũng mất ngót nghét 10 năm trời làm việc cật lực, vừa làm công việc chuyên môn về kỹ thuật, vừa xây dựng doanh nghiệp riêng, song song với việc liên tục trau dồi những kỹ năng cần thiết. Thời gian đầu làm kinh doanh, tôi vốn nhận được lời phản đối từ nhiều bạn bè và người thân, bởi sự nghiệp kỹ thuật của tôi vốn đã bận rộn và có thu nhập tốt nên mọi người không muốn tôi phải vất vả thêm kinh doanh nữa. Nhưng nhờ việc đã độc lập tài chính, tôi có quyền được lựa chọn theo đuổi mục tiêu của mình mà không ai có quyền ép buộc phải làm này làm kia. Sau này khi tôi bắt đầu gia tăng tài chính, chất lượng cuộc sống cũng được nâng tầm theo, lúc này bạn bè không còn phản đối và bắt đầu nhìn nhận tôi là một doanh nhân nhiều trải nghiệm. thay vì là một kỹ sư giỏi. Và khi tôi đang trên đường chinh phục mục tiêu cuối cùng – tự do tài chính, nhiều bạn bè và người thân lại muốn đồng hành cùng với tôi. 3. Muốn là người đầu tư giỏi, hãy trở thành người làm kinh doanh giỏi. Ta thường hay nhìn những người giàu có là những người giỏi đầu tư, hay là những người biết cách “dùng tiền đẻ ra tiền”. Thế là rất nhiều người nhảy vào làm đầu tư với “hy vọng” mình sẽ may mắn kiếm được một khoản hời, hoặc nếu đủ may mắn trong một thời gian dài, họ sẽ được tự do tài chính. Nhưng với một người đầu tư đi lên từ con đường kinh doanh, họ luôn biết chắc hơn 80% khoản đầu tư của mình sinh lời. Thứ nhất, kinh doanh thực chất cũng là một việc đầu tư, thậm chí là đầu tư nhiều thứ, bởi ngoài tiền bạc, người chủ doanh nghiệp còn đầu tư cả về chất xám, sức lao động và thời gian của chính họ. Thứ hai, người chủ doanh nghiệp là người biết cách dùng “sức lao động của người khác” để tạo ra thu nhập cho mình. Thứ ba, người chủ doanh nghiệp giỏi có khả năng nhìn nhận được sức khỏe của doanh nghiệp thông qua cách doanh nghiệp vận hành và chất lượng của đội ngũ nhân sự, lãnh đạo. Nhờ tinh thông những yếu tố này, nên một người đầu tư đi lên từ con đường kinh doanh có đủ sự thông thái để hiểu rõ những khoản đầu tư của mình sẽ sinh lợi hay không, chứ không phải là một trò chơi may rủi. 4. Thu nhập thụ động (passive income) và thu nhập tái lại (residual income) cần phải song hành với nhau. Thu nhập thụ động là dạng thu nhập đến không trực tiếp từ chính sức lao động của mình. Trong khi đó, thu nhập tái lại là dạng thu nhập đến một cách đều đặn và có thể dự đoán được mỗi tháng trong nhiều năm. Tự do tài chính cần một dạng thu nhập có cả 2 tính chất này. Điều này cũng lý giải vì sao những người làm công ăn lương mặc dù có thu nhập đều đặn hàng tháng lại không thể tự do tài chính, kể cả những người kinh doanh và đầu tư chỉ nhắm đến lợi nhuận trong nhắn hạn, mặc dù có những nguồn thu nhập thụ động cũng không thể tự do tài chính. Hiểu được điều này giúp một người biết được mình nên lựa chọn định hướng như thế nào cho phù hợp để đạt được mục tiêu tự do tài chính. Bản thân tôi trong những năm đầu tiên lập nghiệp cũng trải qua giai đoạn mất phương hướng, có thời điểm tôi theo đuổi rất nhiều mục tiêu sự nghiệp, và mục tiêu nào cũng giúp tôi thành đạt nếu theo đuổi lâu dài. Nhưng để có được cái tốt nhất, tôi cũng cần biết từ bỏ những cái tốt. Để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi và phát triển kinh doanh như bây giờ, tôi cũng bỏ qua hàng tá những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, đi nước ngoài, thậm chí là làm giàu nhanh,… Điều này khiến tôi chậm trong ngắn hạn, thậm chí có những lúc tự nghi ngờ chính bản thân. Nhưng tôi hiểu được rằng “những điều tốt đẹp thường không đến một cách nhanh chóng, dễ dàng”, nên tôi cứ kiên trì theo đuổi. Và cho đến ngày hôm nay, những gì mà tôi đạt được, thực sự vượt qua những gì bản thân từng mong đợi và tưởng tượng ở thời điểm bắt đầu khởi nghiệp. Kết lại, tự do tài chính là một cái đích của một cuộc hành trình dài, trong suốt cuộc hành trình đó, một người sẽ được thử thách, đồng thời không ngừng phát triển năng lực cá nhân của mình để vượt qua những thử thách đó. Đây không phải con đường dễ dàng, chắc chắn là vậy, nhưng nó đủ dễ để chinh phục nếu một người có đủ quyết tâm, sự kiên định, đi kèm với việc có những lựa chọn đúng đắn. Thậm chí ngay cả khi một người dành cả sự nghiệp để theo đuổi nhưng không đạt được nó, thì quá trình phát triển năng lực cũng giúp người đó trưởng thành hơn, và dĩ nhiên là thành đạt hơn so với số đông còn lại. Tôi cổ vũ bạn có đủ nghị lực để chinh phục hành trình đầy thử thách nhưng cũng lắm vinh quang này!!!
Check Also
Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?
Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...