Home / Blog / My Sharing About Life / 2 thái độ chưa đúng đang kìm hãm sự thành đạt của thanh niên Việt

2 thái độ chưa đúng đang kìm hãm sự thành đạt của thanh niên Việt

Tại sao thế hệ trẻ Việt Nam thông minh, cần cù nhưng vẫn chưa vươn tầm thế giới?
Mấy hôm nay Hải trăn trở rất nhiều về câu hỏi này. Chúng ta hay tự hào mình là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới, hàng năm đều có những bạn đạt huy chương vàng trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Thậm chí ngay cả chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta cũng thuộc dạng khó nhằn so với chương trình ở các nước phát triển. Vậy mà hàng năm có biết bao nhiêu kỹ sư, cử nhân ra trường rồi thất nghiệp? Những người đi làm thì cũng nhận mức thu nhập gọi là đủ sống. Trong ngành thiết kế vi mạch mà Hải đang công tác, thu nhập 10 anh kỹ sư Việt Nam đi làm bằng với 1 người kỹ sư ở Nhật hoặc Mỹ.

Tôi nghĩ khi bàn về chủ đề này, ta có thể mất cả ngày trời để trao đổi, và có rất nhiều lý do mà ta có thể đổ lỗi, từ cơ chế xã hội đến hệ thống giáo dục… Tuy nhiên Hải nghĩ cho dù ta nghĩ ra bao nhiêu lý do để đổ lỗi đi chăng nữa, tất cả cũng không có chút giá trị nào, trừ khi ta nhìn nhận những lỗi do bản thân mình và bắt đầu sửa chữa.

Tôi nghĩ trong thời đại thông tin hiện nay, việc một người trẻ có thể vươn đến những tầm cao, vấn đề không phải ở kỹ năng và kiến thức của họ. Bởi gần như bất kỳ loại tri thức nào, từ kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng sống, ta cũng có thể tiếp cận được trong vòng 30s nhờ vào internet. Điều này đã tạo nên một sân chơi bình đẳng cho bất cứ người ham học nào để tiếp thu tri thức từ nhân loại.

Tôi muốn nói nhiều hơn đến thái độ. Bởi vì thái độ là thứ mà ta có thể kiểm soát được để thay đổi. Bởi vì ta không thể thay đổi được hoàn cảnh, nhưng có thể lựa chọn thái độ của ta trước hoàn cảnh đó. “Khi số phận chia cho bạn những quân bài xấu, hãy trở thành người chơi giỏi”. Và tôi muốn nói đến 2 thái độ đang kìm hãm hầu hết thế hệ trẻ Việt Nam, mà nếu không thay đổi thì không bao giờ ta có thể đạt được những thành tựu mới.

Thái độ đầu tiên: CÁI TÔI LỚN. Tôi thấy hầu hết các bạn bây giờ có sự tự tin vào năng lực bản thân, nhờ vào việc có được môi trường giáo dục hướng đến thực hành nhiều hơn so với thế hệ chúng tôi trước đây. Các bạn có thể đứng nói chuyện trước đám đông để bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí là dùng ngoại ngữ lưu loát. Đây là điều mà mãi sau khi đi làm gần 5 năm tôi mới làm được, nhưng các bạn có khả năng này ngay từ khi bước chân vào đại học. Tuy nhiên, điều đó khiến các bạn ngộ nhận là mình giỏi, mình biết tất cả khi tốt nghiệp trường học để bước vào trường đời. Bởi trường đời không đánh giá bạn dựa trên điểm số ở bài kiểm tra, trường đời đánh giá dựa trên thu nhập và số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn. Trường đời cũng không đánh giá chỉ dựa vào kỹ năng chuyên môn, mà nó là sự tổng hòa của nhiều kỹ năng, trong đó có những kỹ năng mà bạn chưa bao giờ được trường học dạy, như là quản lý tài chính cá nhân, xây dựng các mối quan hệ xã hội, đắc nhân tâm,…

Tôi nhận thấy nguyên nhân là vì các bạn không phân biệt được đâu là một người tự tin, có chính kiến với một người có cái tôi lớn, và rồi các bạn hay trở thành dạng người ở vế sau – người có CÁI TÔI LỚN.  Bạn biết không, người có chính kiến sẽ tìm cách học hỏi, trau dồi để củng cố và bảo vệ quan điểm của mình, họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của những người nhiều trải nghiệm hơn, thậm chí là nếu sau khi nghiên cứu và nhận ra quan điểm của mình chưa đúng, họ sẵn sàng lắng nghe và thay đổi dể có quan điểm đúng đắn hơn. Với một người có CÁi TÔI LỚN, họ bảo vệ quan điểm bằng cách đóng mọi cánh cửa thông tin bên ngoài và lập luận dựa trên những gì họ đã biết hoặc nghe từ trước, và họ sẽ không thay đổi quan điểm trừ phi gặp một biến cố tác động lớn đến cuộc sống của chính họ. Vậy bạn là dạng người nào? Cách dễ nhất là hãy hỏi lại xem lần gần đây nhất mình dùng từ “TÔI BIẾT RỒI” là lúc nào, và bạn dùng 3 từ này có thường xuyên hay không? “TÔI BIẾT RỒI” là từ nguy hiểm nhất trong từ điển tiếng Việt, bởi bạn càng dùng từ này nhiều, bạn càng ngăn cản mình để tiếp cận với những tri thức mới. Đặc biệt trong thời đại thông tin, những gì bạn biết và cho rằng đúng ngày hôm nay, nó có thể trở nên lỗi thời chỉ trong ngày hôm sau.  Lấy ví dụ, ngay tại thời điểm tôi viết bài này, tôi nói với bạn iPhone 7 là điện thoại mới nhất của Apple, nhưng nếu như vài năm sau bạn mới đọc được bài viết này, có thể bạn sẽ cười và bảo tôi lạc hậu ^^

Lời khuyên của tôi dành cho bạn: hãy tiếp tục học hỏi ngay cả khi bạn không còn phải cắp sách đến trường. Hãy cho phép sách và  chia sẻ của những người thành đạt trong cuộc sống ảnh hưởng đến bạn. Mỗi ngày đọc tầm 10 trang sách, mỗi tuần gặp và nói chuyện với ít nhất 1 người có nhiều trải nghiệm hơn mình. Đó là những gì tôi duy trì và làm đều đặn sau khi ra trường đến giờ, cho dù đã có bằng thạc sĩ và đang giữ vị trí quản lý dự án gần 3 năm nay.

Thái độ thứ hai: “TÔI CÓ THỂ TỰ MÌNH LÀM NÊN CƠ NGHIỆP”. Hầu hết các bạn khi lập nghiệp đều có sẵn dạng tư duy này, thậm chí các bạn cũng không nhận ra mình có suy nghĩ như vậy. Điều này cũng đúng, vì trong suốt khoảng xấp xỉ 15 năm đi học, chúng ta được dạy rằng “PHẢI TỰ LÀM BÀI KIỂM TRA CỦA MÌNH”, và tư duy này ăn sâu vào tiềm thức cho đến lúc ra trường đời. Công bằng mà nói, thi cử chỉ là một vấn đề nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn vấn đề của cuộc sống, nên bạn có thể giải quyết nó một mình. Do đó nếu bạn vẫn giữ tư duy này áp dụng vào cuộc sống thì cái kết là bạn chỉ có một cuộc sống thường thường, cuối đời nếu may mắn và cần kiệm thì có thể có cái nhà, cái xe ở Sài Gòn. Còn nếu bạn mong muốn những điều lớn lao hơn, như có vài cái nhà đẹp, vài cái xe đẹp, hoặc có điều kiện tốt nhất về giáo dục, y tế cho những người thân trong gia đình, hoặc du lịch nước ngoài thường niên,… bạn KHÔNG THỂ LÀM MỘT MÌNH. Tôi lấy một ví dụ: giả sử bạn là một người thợ xây xuất chúng, bạn có thể tự mình xây một căn nhà với 1 tầng trệt, hoặc thậm chí là thêm 1-2 tầng lầu. Nhưng nếu bạn muốn xây một căn nhà cao hơn, bạn cần có nhóm thợ xây lên đến con số hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn người.
Lời khuyên của tôi dành cho bạn: “Một là con số quá nhỏ để làm nên điều vĩ đại”, đây là câu nói tôi khắc cốt ghi tâm mỗi khi bắt đầu làm một việc gì lớn. Thay vì tìm cách để giải quyết việc này một mình, tôi làm 2 điều: thứ nhất là tìm những người chung chí hướng để thực hiện cùng tôi, thứ hai là tìm những người cố vấn – là người mà đã thực hiện được những gì tôi đang muốn theo đuổi và sẵn sàng dành thời gian để nâng đỡ tôi và nhóm làm việc của mình. Bạn có thể áp dụng cách làm này trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn đang theo đuổi, đặc biệt là những việc bạn không thể làm một mình, hoặc mất nhiều thời gian để thực hiện. Hãy nhớ: “Teamwork makes dream works”.

Bạn thân mến, trong khoảng 5 năm vừa qua, tôi có một may mắn là nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân thành đạt và những tổ chức hỗ trợ phi chính phủ, để giúp tôi xây dựng tính cách, kỹ năng và sự nghiệp. Tôi nhận thấy cách duy nhất để một người thấp bé trở thành một người khổng lồ là đứng trên vai những người khổng lồ khác. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, đó là kết nối và hỗ trợ những trí thức Việt trẻ để các bạn có thể nhận được sự đào tạo, hướng dẫn từ những nguồn tài nguyên đã giúp tôi nâng tầm cuộc sống. Nếu bạn là một người cầu tiến và đang tìm những người thầy để giúp bạn định hướng trong sự nghệp và làm chủ nguồn thu nhập của mình, hoặc bạn biết những người bạn giống như vậy, hãy liên lạc với tôi qua email info@nguyenlonghai.com.  Bạn có thể chia sẻ cùng tôi những tâm tư, nguyện vọng của bạn, cũng như số điện thoại cá nhân, tôi sẽ chủ động liên lạc với bạn khi sắp xếp xong công việc.

Cho sự thành công của bạn.

Check Also

Ra quyết định – phải quản lý mới biết đúng hay sai

Có những lần ta đưa ra một quyết định, rồi cứ trăn trở không biết ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.