Home / Blog / My Sharing About Life / HÃY LÀM NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG NGAY CẢ KHI CHƯA CẦN, ĐỂ ĐẾN KHI CẦN THÌ BẠN ĐÃ CÓ SẴN RỒI.

HÃY LÀM NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG NGAY CẢ KHI CHƯA CẦN, ĐỂ ĐẾN KHI CẦN THÌ BẠN ĐÃ CÓ SẴN RỒI.

Tôi viết note này khi vừa trải qua một vài vấn đề về sức khỏe, đây âu cũng là một dịp tốt để tôi ngừng lại và có thêm một vài chiêm nghiệm. Dù bạn đang ở độ tuổi nào, nghề nghiệp nào thì những dòng dưới đây đều rất quan trọng với bạn.

Tôi có nghe một người thầy nói “người giỏi thì biết cách giải quyết vấn đề nhanh gọn, nhưng người có tầm nhìn thì sẽ không để vấn đề xảy ra”. Cuộc sống cần những người giỏi, bởi vì cuộc sống vốn dĩ có nhiều vấn đề và luôn cần ta dùng thời gian để giải quyết. Nhưng để có một cuộc sống chất lượng hơn, bớt vấn đề và bớt phiền muộn hơn, một người cần phải có tầm nhìn.

Nói tóm lại, ta không thể trốn tránh những vấn đề của cuộc sống, nhưng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị trước để giải quyết vấn đề một cách trơn tru hơn. Tôi gọi là “làm khi chưa cần, để đến khi cần thì mình đã có sẵn rồi”.

Những vấn đề quan trọng cần phải làm ngay cả khi chưa cần: năng lực cá nhân, tài chính, sức khỏe, mối quan hệ.

  1. Năng lực cá nhân: hay nói một cách đầy đủ hơn đó là kỹ năng, kiến thức, bằng cấp,…tất cả những thứ có thể giúp bạn phát triển khả năng của bản thân mình. Nó giống như việc bạn không chờ đến khi được đề bạt đến vị trí quản lý, rồi sau đó bạn mới học về quản lý, lãnh đạo. Mà bạn cần phải có những kỹ năng quản lý, lãnh đạo từ trước và thể hiện được phẩm chất đó trong quá trình làm việc, sau đó mới được đề bạt. Lời khuyên của tôi:
    – Với các bạn sinh viên: hãy ngay lập tức hoàn thành những chứng chỉ, kỹ năng tin học, ngoại ngữ cần thiết ngay từ năm thứ 2 Đại học (bản thân tôi hoàn thành ngay cuối năm 1). Bởi những năm cuối cùng bạn phải tập trung vào chuyên môn. Thường nhiều bạn ra trường chậm có việc bởi thiếu 2 kỹ năng này, khi cái bằng của trường cấp là như nhau, thì những kỹ năng bên ngoài sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của bạn.
    – Với các bạn đang đi làm: tiếp tục trau dồi kỹ năng quản lý, lãnh đạo, làm việc với con người, song song với kỹ năng chuyên môn… Cho dù anh chị em mình đang ở vị trí nào, không sớm thì muộn mình cũng sẽ tiếp tục thăng tiến và sẽ cần những kỹ năng này. Thậm chí với những anh em đang làm quản lý, cũng phải tiếp tục trau dồi để có thể tăng hiệu quả làm việc, tăng sức ảnh hưởng đến nhiều người trong tổ chức hơn. Tôi có một thói quen, đó là đọc sách, nghe record, giao tiếp với những người thành đạt, tôi đã duy trì nó trong 5 năm nay và chắc chắn sẽ tiếp tục đến hết đời.
  2. Tài chính: đừng bao giờ hài lòng với nguồn thu nhập hiện tại, đặc biệt đừng bao giờ cảm thấy thoải mái nếu nguồn thu nhập được tạo ra từ chính mồ hôi và nước mắt của bạn. Bạn càng sống lâu thì nhu cầu cuộc sống càng cao, vật giá càng leo thang, do đó thu nhập hiện tại chắc chắn không thể đáp ứng được trong tương lai. Bạn cũng không thể đảm bảo được mình có thể làm việc bền bỉ, liên tục ngày qua ngày cho đến suốt đời, cũng không đảm bảo ảnh hưởng của những vấn đề trong cuộc sống đến công việc (sinh con, người nhà bệnh, công ty đóng cửa…). Lời khuyên của tôi:
    – Với các bạn sinh viên: nên tạo dựng cho mình một nguồn thu nhập đều đặn ngay cả khi trên ghế nhà trường (đi dạy, đi làm thêm, bán hàng, thâm chí mở công ty riêng – những việc này tôi đều đã làm ngay cả từ khi còn sinh viên). Có một nguồn thu nhập ngay trước khi tốt nghiệp giúp bạn ra đời sớm hơn, tự chủ hơn với cuộc sống, và đặc biệt là tránh phải cảnh gặp việc gì làm việc đó khi tốt nghiệp, từ đó giúp bạn lựa chọn đúng công việc phù hợp với chuyên môn và sở thích của mình.
    – Với các bạn đang đi làm: ngay tại thời điểm bạn cảm thấy tài chính của mình ổn để trang trải cuộc sống, đừng dừng lại hưởng thụ, hãy đi tìm cách để xây dựng nguồn thu nhập thụ động (TNTĐ). Có thêm 1 nguồn thu nhập, đặc biệt là TNTĐ giúp bạn cảm thấy đỡ áp lực hơn với công việc hành chính, giúp đảm bảo cuộc sống hơn. Nếu phát triển TNTĐ tốt, bạn hoàn toàn có thể giải thoát mình khỏi việc đi làm để kiếm $$$ mỗi ngày. Có rất nhiều cách để xây dựng TNTĐ (nhà cho thuê, tiền gửi ngân hàng, đầu tư, xây dựng hệ thống kinh doanh). Bản thân tôi sau 5 năm xây dựng TNTĐ, tôi đã có một vài nguồn trong số những ví dụ kể trên.
  3. Sức khỏe: khi có sức khỏe, ta muốn nhiều thứ, nhưng khi không có sức khỏe, ta chỉ cần một thứ là sức khỏe. Tôi cực kỳ khuyên bạn cho dù ở độ tuổi nào cũng nên để ý đến sức khỏe của mình. Tôi có nhiều trải nghiệm không tốt ở chủ đề này, bởi bản thân mặc dù mới vào 30 nhưng trong quá khứ đã vài lần sốt xuất huyết, vài lần phẫu thuật, vài lần rối loạn tiền đình… Nếu bạn đang ở giai đoạn trước 28 tuổi, bạn có thể thấy mình cực kỳ “trẻ trâu” (tôi cũng vậy, tôi đã từng có giai đoạn cày ải trên sân bóng đá liên tục mỗi ngày, mỗi ngày vài tiếng là chuyện bình thường). Tuy nhiên những thói quen không tốt đến sức khỏe sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến bạn khi bắt đầu bước vào 30. Lời khuyên của tôi dành cho bạn: nên tập thể dục mỗi ngày (tôi cũng đang tập thói quen này), ăn uống đầy đủ và cân đối để cung cấp cho cơ thể chế độ dinh dưỡng đa dạng vitamin, khoáng chất, đạm, đường, béo, chất xơ. Tôi có nghiên cứu và có một vài tài liệu hay về chủ đề này, nếu cần bạn có thể liên lạc với tôi.
  4. Mối quan hệ: tôi liệt kê cả mối quan hệ xã hội vào những việc mình cần phải chủ động chuẩn bị và xây dựng trước. Bởi cho dù ta là người mạnh mẽ cỡ nào, tài giỏi cỡ nào thì cũng sẽ có lúc sa cơ thất thế. Lấy ví dụ khi bệnh thì ta cần có người chăm sóc. Nghĩ xa hơn, ta cũng không phải là người biết tất cả, do đó cần có một mạng lưới mối quan hệ những người nhiều ngành nghề để hỗ trợ nhau lúc cần. Tựa như bạn có thể là kỹ sư, kế toán, chủ doanh nghiệp, nhưng cũng cần có quen biết bác sĩ, công an… Rồi nếu bạn muốn làm ăn lớn, thì chắc chắn cần có nhiều người góp sức để thực hiện. bởi “nếu ước mơ mà mình tôi có thể thực hiện, thì rõ ràng ước mơ đó quá nhỏ”. Lời khuyên của tôi dành cho bạn: hãy chủ động xây dựng những mối quan hệ vừa có số lượng vừa có chất lượng. Bạn có thể tham gia các hội, nhóm, các diễn đàn (không chỉ online mà còn offline), qua đó có cơ hội kết giao với những người khác ngành nghề, thậm chí là tìm được một tấm gương, một người cố vấn để mình đi theo học hỏi. Với đồng nghiệp, hãy giúp đỡ một cách vô tư, việc nào bạn biết mà đồng nghiệp cần, hãy hướng dẫn họ làm hoặc làm giúp họ nếu cần thiết. Và nhớ dành thời gian chăm lo cho gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Cha mẹ là viên kim cương lớn, và bởi vì nó lớn nên nhiều khi bạn không nhìn thấy (bạn chắc hẳn biết kim cương có tính trong suốt, ta nhìn thấy nó bởi vì ta cầm trên tay một viên kim cương nhỏ, nhưng nếu đứng giữa 4 bề bức tường là kim cương, bạn sẽ không nhận ra nó). Báo hiếu cho cha mẹ, bạn chẳng thiệt vào đâu cả.

Một vài chia sẻ của tôi. Tôi tin tưởng nếu bạn đọc đến những dòng này, bạn thật sự là một người cầu tiến, và có thể bạn cũng có sự quan tâm thật sự đến những gì tôi hay chia sẻ. Tôi cũng rất sẵn lòng nói chuyện với bạn để cùng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, và nếu có duyên ta có thể cùng đồng hành, giúp đỡ nhau. Bạn có thể kết bạn với tôi qua Facebook ở đây để ta cùng trò chuyện nhé.

Cho sự thành công của bạn.

Check Also

Đừng chỉ làm việc vì tiền…

Làm việc vì tiền không có gì xấu, nó là nhu cầu tối thiểu để ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.