Chia sẻ từ Nguyễn Long Hải

Cách tính khác về thu nhập trong hệ quy chiếu cuộc đời

Về phương diện con số: 30 gấp 1.5 lần 20, 90 gấp 3 lần 30 và gấp 4.5 lần 20. Điều này đúng trong hệ quy chiếu số học. Nhưng ở hệ quy chiếu “cuộc đời”, nó còn có sự khác biệt lớn hơn nữa.

Nếu như một người có thu nhập 20tr/tháng có thể để dành mỗi tháng 5tr sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt. Thì người có thu nhập 30tr/tháng với cùng mức sống có thể để dành đến 15tr. Có nghĩa là số tiền để dành gấp 3 lần khi so sánh người 30 với người 20.

Tương tự như vậy, người thu nhập 90tr nếu vẫn giữ mức sống cơ bản như vậy thì mỗi tháng có thể dôi ra được 75tr, tức là số tiền để dành gấp 5 lần người thu nhập 30, và gấp 15 lần người thu nhập 20 @@

Làm một phép toán nữa. Cho là để mua một căn hộ chung cư 1PN ở SG là 1.8 tỷ.

  • Người 20 để dành được 5tr/tháng -> 60tr/năm, cần tích lũy 30 năm để mua căn nhà trên.
  • Người 30 để dành được 15tr/tháng -> 180tr/năm, có thể tích lũy 10 năm để mua nhà.
  • Người 90 để dành được 75tr/tháng -> 900tr/năm, chỉ cần tích lũy 2 năm để có nhà.

Qua 2 ví dụ này, bạn nghiệm ra được bài học gì? Với tôi, có 2 bài học.

Thứ nhất, sự thịnh vượng không nằm ở số tiền mình kiếm được, mà là số còn lại sau khi trừ chi phí sinh hoạt. Giống như về con số, 90 gấp 4.5 lần 20. Nhưng sự thịnh vượng có thể gấp 15 lần nếu chi phí cuộc sống giống nhau. Ở vế ngược lại, nếu người thu nhập 90 cũng chi tiêu hết sạch 90 thì sự thịnh vượng của họ cũng không được bằng người thu nhập 20.

Bài học thứ hai, giá cả của một món đồ không nằm ở số tiền để mua nó, mà chính là bằng thời gian tích lũy để đủ tiền mua. Cách để mua được món đồ rẻ hơn, đó chính là gia tăng khả năng tích lũy hàng tháng, thông qua chiến lược “tăng thu, quản lý chi”.

Vậy nên trên hành trình xây dựng sự thịnh vượng, cần thiết phải học cách để gia tăng dòng tiền hàng tháng, đồng thời quản lý chi tiêu để giữ mức sống ở mức vừa đủ, không chi tiêu quá trán cho những khoản không cần thiết. Ông bà gọi là tiết kiệm, chứ không phải hà tiện.

Và chìa khóa quan trọng nhất để làm được điều này, đó vẫn là tiếp tục phát triển và hoàn thiện năng lực cá nhân.

Bạn có đồng ý rằng những người có thu nhập cao chắc chắn do họ có bộ kỹ năng tốt hơn, cũng như sẵn sàng nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn so với những người khác? Và người giàu có ngoài việc kiếm được nhiều tiền, họ còn biết cách quản lý tiền, thậm chí là dùng tiền để tạo ra tiền.

Do đó, không thể đòi hỏi thu nhập cao hơn nếu bản thân mình vẫn chỉ giải quyết được những vấn đề quen thuộc. Cũng không thể trở nên giàu có nếu đơn thuần chỉ biết cách kiếm tiền mà không học cách tiêu tiền cho đúng, đó là lý do vì sao đồng tiền muốn xài được phải in đủ 2 mặt.

Với cá nhân tôi, đây là điều tôi biết và áp dụng từ những năm 2012, và điều này đã thay đổi hoàn toàn cách tôi tiếp cận với cuộc sống. Dưới đây là 3 điều mà tôi đã và đang áp dụng.

  • Focus On Growth: luôn luôn có 2h mỗi tối để phát triển bộ năng lực cá nhân, song song với 8-10h làm công việc hành chính. Đó là guồng làm việc tôi duy trì gần 20 năm, từ lúc còn trên ghế giảng đường.
  • Zero Debt: không mua trả góp, không xài trước trả sau. Một món đồ nào đó quan trọng nếu cần thiết phải mua, tôi luôn có kế hoạch để tích lũy hoặc cân đối chi tiêu để trả thẳng.
  • Re-invest: tái đầu tư thu nhập để nâng cấp năng lực, xây dựng tài sản doanh nghiệp, tích lũy BĐS để tạo dòng tiền. Tôi không dùng tiền mua đồ hiệu để lấy le, cũng không tham gia các cơ hội lướt sóng để kiếm tiền.

Bạn thân mến, tôi nhận thức rằng ra đời lập nghiệp, ai cũng là những người nỗ lực, ai cũng gánh trên vai những trách nhiệm về tài chính với gia đình. Đời lập nghiệp 40 năm tưởng dài, nhưng gần như nó được quyết định ở 10 năm đầu. Nếu cứ làm rồi sai, sai rồi sửa trong 10 năm đó thì không đủ thời gian. Nhiều bạn bè khi tuổi trẻ đã qua đi nhưng vẫn loay hoay trên đường lập nghiệp. Vậy nên cần phải có lựa chọn đúng rồi hãy nỗ lực sau.

Vậy nên, một mục tiêu quan trọng trong 10 năm tới của tôi, đó là truyền tải những công thức mà bản thân đã áp dụng hiệu quả cho thế hệ lập nghiệp cùng trang lứa, cũng như thế hệ sau. Nếu bạn cũng có cùng trăn trở với tôi, muốn đồng hành với tôi để truyền đạt trải nghiệm cho thế hệ trẻ, hoặc bạn cũng đang tìm một người soi lối chỉ đường cho sự nghiệp, bạn có thể để lại thông tin ở đây để ta liên lạc với nhau nhé.

Tôi chúc bạn gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải.