Home / Blog / My Sharing About Life / Chuyên nghiệp thật sự hay chỉ là nghiệp dư lâu năm?

Chuyên nghiệp thật sự hay chỉ là nghiệp dư lâu năm?

Bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội cũng chia thành nhiều cấp độ, từ nghiệp dư, bán chuyên, đến chuyên nghiệp, chuyên gia. Đẳng cấp làm việc của một người quyết định trực tiếp đến thu nhập của người đó. Theo bạn, bạn có đang làm việc một cách chuyên nghiệp chứ?

Bạn thấy đấy, người làm nghiệp dư thì không kiếm được tiền, nhiều khi còn mất tiền để được tham gia cuộc chơi, người bán chuyên kiếm được một khoản nhỏ, người chuyên nghiệp kiếm được nhiều, còn chuyên gia kiếm được rất nhiều. Một ví dụ minh họa là môn bóng đá, gần như thằng đàn ông nào cũng biết chơi đá banh, hoặc chí ít là xem đá banh, nhưng hầu hết chỉ là dân nghiệp dư, phải bỏ tiền thuê sân để chơi bóng, bỏ tiền café để xem bóng, trong khi đó những cầu thủ, huấn luyện viên chuyên nghiệp lại kiếm được rất nhiều.

Trong hơn 10 năm lập nghiệp của mình, tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để nâng tầm sự nghiệp, qua đó cải thiện kinh tế gia đình. Tôi cũng phát hiện được những ngộ nhận lớn, khiến cho một người làm việc nghiệp dư lại cứ tưởng mình là người chuyên nghiệp. Dưới đây là 3 phát hiện của tôi:

  • Làm lâu năm chưa chắc đã lên chuyên nghiệp. Làm một công việc lâu năm có thể giúp một người thành thạo việc đó, nhưng nếu không cải tiến cách làm việc thì cũng chỉ dừng ở một mức độ nào đó. Giống như nhiều anh em dành hết cả thanh xuân để chơi bóng nhưng vẫn chỉ chơi ở  mức nghiệp dư hoặc bán chuyên. Trở thành chuyên nghiệp đòi hỏi một người phải liên tục trau dồi kiến thức và phát triển năng lực cá nhân để có thể tham gia cuộc chơi ở một đẳng cấp cao hơn.
  • Kỹ năng tốt chưa đủ để lên chuyên nghiệp. Rất nhiều người có tài năng thiên bẩm, được đào tạo kỹ năng bài bản, nhưng vẫn không thể lên chuyên nghiệp, hoặc không thể duy trì đẳng cấp chuyên nghiệp trong thời gian dài. Lý do là vì tài năng thôi là chưa đủ, một người chuyên nghiệp còn cần phải có thái độ làm việc và tính cách cũng phải chuyên nghiệp tương xứng với tài năng.
  • Bận rộn cũng không phải chuyên nghiệp. Bận rộn đôi khi là niềm tự hào của những người lập nghiệp lâu năm, đôi khi nhiều người coi sự bận rộn sẽ tương xứng với sự thành đạt của họ. Tuy nhiên với những người chuyên nghiệp, họ luôn biết cách quản lý cuộc sống để có thể làm việc vừa hiệu quả, vừa tốn ít thời gian nhất. Xét cho cùng, chẳng ai muốn sống trong bận rộn cả đời, và người chuyên nghiệp thấu hiểu điều này.

Những điều mà tôi phát hiện ở trên khiến bản thân tôi bừng tỉnh, bởi vì từ nhỏ đến lúc bắt đầu lập nghiệp, tôi đã mang theo suy nghĩ rằng: “để trở thành một người thành đạt, chuyên nghiệp trong công việc của mình, tôi chỉ cần tập trung làm giỏi công tác chuyên môn của mình, sau đó làm việc gắn bó lâu năm với tổ chức”. Khi phát hiện ra suy nghĩ đó vẫn chưa đủ, tôi bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh lại bản thân mình. Thứ nhất, tôi giữ cho mình một tinh thần ham học hỏi để liên tục cải thiện năng lực trong quá trình làm việc. Thứ hai, tôi cũng trau dồi thêm những kỹ năng ngoài chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng đối nhân xử thế & lãnh đạo, tôi cũng kỷ luật bản thân để trui rèn những nhân cách cần thiết như tính kỷ luật, tự giác, giữ uy tín và luôn trung thực. Cuối cùng, tôi luôn tìm kiếm, sáng tạo những công cụ tự vận hành để có thể thay thế sức lao động của tôi, nhằm giải phóng chính bản thân khỏi những việc mang tính lập đi lập lại hàng ngày, qua đó có thêm thời gian để phát triển năng lực & giải quyết những việc ưu tiên trong công việc.

Quy tắc 10.000h có nói “nếu ta làm một công viêc nào đó đủ 10.000h, ta sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó”. Điều này tương đương nếu một người dành 8h/ngày để làm một việc thì họ sẽ cần khỏang 5 năm để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực họ theo đuổi. Bản thân tôi đã trải nghiệm qua điều này, và tôi thấy nó đúng với tôi, bởi vì tôi đã đều đặn làm việc cùng với việc áp dụng những cải tiến để lên chuyên nghiệp phía trên. Nếu không thì cho dù 10 năm hay 20 năm làm việc, tôi cũng chỉ là một kẻ nghiệp dư lâu năm, “bạn làm một việc bao lâu không quan trọng bằng cách bạn thực hiện  nó thế nào”.

Một người thầy của tôi từng nói rằng: “tốc độ thành công của một người phải nhanh hơn nhiều lần tốc độ già đi của bản thân và những người thân yêu của họ, nếu không thì anh ấy không thể hoàn thành được những ước mơ & hoài bão trong đời”. Câu nói này luôn ám ảnh và hối thúc tôi luôn phải nỗ lực hơn nữa, nhất là khi tôi đã qua ngưỡng 30, tuổi trẻ không còn dài trong khi con cái đang lớn lên, bố mẹ đang già đi từng ngày. Bạn thân mến, bạn đã lập nghiệp được lâu rồi chứ? Sự nghiệp hiện tại có đúng như những gì bạn mong muốn từ những ngày đầu lập nghiệp, hay bạn cảm thấy nó vẫn dậm chân tại chỗ? Hãy cùng chia sẻ với tôi những khó khăn, trăn trở trên đường lập nghiệp của bạn nhé, có thể những trải nghiệm của tôi sẽ giúp được bạn.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?

Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.