Home / Blog / Business Learning / 10 năm khởi nghiệp được và mất gì?

10 năm khởi nghiệp được và mất gì?

Những ngày này cách đây 10 năm, tôi chính thức bắt đầu xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, hay như dân gian thường gọi là “khởi nghiệp”. Thời điểm đấy tôi mới chuẩn bị hoàn thành chương trình đào tạo đại học, ngoài việc có nền tảng về chuyên môn tương đối tốt, thì tôi chưa có bất kỳ thứ gì trong tay, không bằng cấp, không vốn liếng, không kinh nghiệm trên thương trường. 10 năm trôi qua, không gọi là quá dài hay quá ngắn, nhưng với tôi, nó là thời gian cần thiết để tôi hoàn thiền nền móng đủ chắc đủ sâu, để bắt đầu hành trình đột phá vượt bậc trong 10 năm tới.

Tôi viết những dòng này để chia sẻ cho những bạn đang và sẽ có ý định khởi nghiệp, để giúp các bạn có cái nhìn thấu đáo hơn về khởi nghiệp, cũng như những điều được mất mà bạn sẽ phải đánh đổi nếu như muốn có một sự nghiệp lâu dài.

Đầu tiên, tôi muốn nói về động cơ và mục tiêu khởi nghiệp. Thông thường, với hầu hết bạn bè trong thế hệ của tôi, việc ra làm sale hoặc kinh doanh là lựa chọn cuối cùng của họ sau khi không thể tìm được bất cứ công việc chuyên môn giờ hành chính nào, hoặc là công việc đang có vấn đề và không còn lựa chọn nghề nghiệp nào khác mới phải ra ngoài làm riêng. Điều này không có gì là sai, nhưng bạn không thể có được những thứ to tát trong kinh doanh nếu như chỉ xem nó là ưu tiên cuối cùng, hoặc tôi hay nói đùa rằng, “nếu ngay cả việc làm công mà làm còn không tốt, thì rất khó để một người có thể làm chủ tốt”.

Đối với tôi, việc xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình là ưu tiên cao nhất, ngay cả khi tôi đang có công việc tốt và rất nhiều cơ hội thăng tiến xung quanh việc chuyên môn của mình. Thời gian đầu khi xây dựng doanh nghiệp riêng, tôi vẫn duy trì chân trong chân ngoài, có nghĩa là ban ngày làm công, ngoài giờ làm chủ. Yeah, bạn có thể hỏi tôi là có chí lớn tại sao không ra làm riêng hẳn luôn đi? Nhưng tôi rất thực tế, tôi biết được xuất phát điểm của mình là gì, với một người mà gia đình không có điều kiện kinh tế khá giả, cũng mới ra đời lập nghiệp, chưa có vốn tích lũy, lại không có nhiều mối quan hệ và kỹ năng, thì việc cần tiếp tục theo đuổi công việc hành chính là một điều bắt buộc để lấy đó làm nền tảng ổn định cuộc sống, lấy ngắn nuôi dài và lấy chân trong nuôi chân ngoài.

Hơn thế nữa, mục tiêu khi xây dựng doanh nghiệp của tôi, đó là gầy dựng được một sự nghiệp bền vững để từ đó tiến đến tự chủ về thời gian, tài chính và kế thừa cho con cái mình, nên tôi rất kỹ lưỡng cho những lựa chọn và công việc của mình, tôi chỉ làm những việc mà nó phục vụ cho mục đích trên, chứ không sa vào việc tìm cách chỉ đơn thuần kiếm tiền trong ngắn hạn. Một kinh nghiệm nữa của tôi, đó là kinh doanh cần đầu tư ban đầu, nhưng đầu tư cũng phải biết lượng sức mình. Rất nhiều bạn bè tôi biến lần khởi nghiệp đầu đời làm khoản nợ cần phải trả trong suốt cả tuổi trẻ, khi mượn nợ để đầu tư mở doanh nghiệp rồi sau đó không thành. Cách làm của tôi, đầu tiên là chọn định hướng phù hợp với chi phí khởi nghiệp thấp, sau đó dùng phần thu nhập có được từ việc làm công ăn lương sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt để đầu tư vào việc kinh doanh của mình hàng tháng, đến khi kinh doanh sinh lời, tôi tiếp tục tái đầu tư tiền lời này để mở rộng doanh nghiệp của mình. Nhờ vào chiến thuật này, hầu hết những quyết định của tôi không bị chi phối bởi áp lực kiếm tiền để duy trì doanh nghiệp, từ đó tôi có được những quyết định sáng suốt hơn để giúp sự nghiệp & doanh nghiệp của mình đi lên.

Trong những năm qua, tôi đã được gì, mất gì?

Tôi muốn nói về mất trước. Thẳng thắn mà nói, khi xây dựng không được kinh doanh, chắc chắn sẽ mất nhiều thứ. Nhưng thậm chí khi doanh nghiệp phát triển tốt, người lãnh đạo cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Bản thân tôi cũng phải đánh đổi nhiều lần trong ngần ấy năm lập nghiệp, và có 3 đánh đổi quan trọng nhất mà tôi phải đưa ra:

  • Đánh đổi thứ mình thích để có được thứ mình cần. Kinh doanh không phải là hướng đi tôi thích nhất trong số những lựa chọn mình có. Tôi thích làm cầu thủ bóng đá, làm game thủ, làm kỹ sư hơn là làm một doanh nhân. Nhưng con đường xây dựng doanh nghiệp là con đường mà tôi cần phải làm nếu muốn đạt được những thứ mình mong muốn trong cuộc sống. Dĩ nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi kinh doanh giúp tôi có được những điều mình cần, tôi cũng thích luôn việc làm kinh doanh so với những việc khác.
  • Đánh đổi những thứ tốt để có được thứ tốt nhất. Có 3 dạng người lập nghiệp, dạng đầu tiên là quá dở nên không có bất kỳ cơ hội nào và dễ bị lừa dối lợi dụng bởi những cơ hội không rõ ràng, dạng thứ hai là đủ giỏi để có được nhiều cơ hội nhưng lại không đủ tầm nhìn để lựa chọn, dạng thứ ba là có đủ tầm nhìn để chọn được một con đường tốt & phù hợp nhất trong số những cơ hội trước mắt.Tôi bắt đầu sự nghiệp ở nhóm thứ 2, thời điểm đó tôi có rất nhiều cơ hội tốt, nhưng thật sự càng có nhiều cơ hội tốt, nó lại càng khiến tôi trở nên bối rối trong lựa chọn của mình. May mắn thay, tôi được kết nối với những người doanh nhân, đồng thời cũng là cố vấn của tôi – những người ở nhóm thứ 3, họ có tầm nhìn để biết được con đường giúp tôi có được thứ tốt nhất.
  • Đánh đổi trải nghiệm để lấy sự tập trung. Tuổi trẻ luôn muốn trải nghiệm nhiều thứ, không chỉ là trải nghiệm trong công việc mà còn cả những yếu tố khác trong cuộc sống như tình yêu, mối quan hệ, du lịch. Nhưng phân tán tư tưởng ở quá nhiều việc sẽ khiến một người mất sự tập trung và chắc chắn không thể làm nên sự nghiệp lớn. Giống như một người bơm nước bằng tay từ giếng, người này phải đều tay bơm nước cho đến khi nguồn nước lên đến vòi và cứ thế chảy ra sau mỗi lần bơm; còn nếu người đó bơm giữa chừng rồi bỏ đi làm việc khác, đến khi quay lại thì phải bơm từ đầu. Đối với tôi, trong suốt 5 đầu khởi nghiệp, tôi chấp nhận trở thành người “tối cổ” ở tất cả những lĩnh vực khác để có đủ sự tập trung biến mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Mãi đến những năm gần đây, khi sự nghiệp kinh doanh vững vàng rồi, tôi mới tạo điều kiện để bản thân trải nghiệm nhiều hơn trong những lĩnh vực khác.

Vậy thì tôi đã đạt được gì? Tôi không thích nói nhiều về những thành tựu của mình, nhưng có thể tóm gọn bằng cụm từ “được sống một cuộc đời có ý nghĩa”. Đầu tiên, tôi giải quyết được vấn đề cơm áo gạo tiền để được làm việc dựa trên những gì mình đam mê & có thế mạnh. Sau đó, thông qua việc mở rộng quy mô doanh nghiệp, tôi có cơ hội được truyền tải lại những trải nghiệm, bí quyết kinh doanh của mình đến với những thế hệ sau. Và cuối cùng, tôi tạo dựng được sự nghiệp bền vững của riêng mình để cho con cái nối nghiệp, thậm chí nếu thế hệ con cháu không muốn theo nghiệp kinh doanh, thì những quan điểm sống và mối quan hệ mà tôi để lại có thể giúp chúng gặt hái được thành tựu ở bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào.

Bạn thân mến, thời điểm tôi viết bài này là ngày 5/9/2020 – ngày khai giảng đầu tiên của thập kỷ mới với tất cả học sinh Việt Nam. Và đây cũng là ngày khai giảng đối với một người học trò trọn đời giống như tôi. Cách đây 10 năm, tôi coi như kết thúc trường học để bước vào trường đời, học ở trường học thử thách bao nhiêu, thì khi ra trường đời còn thử thách gấp bội. Sau 10 năm, ngày hôm nay, tôi chính thức hoàn thành học kỳ đầu tiên của trường đời – học kỳ xây dựng nền móng. Trong 10 năm sắp tới, tôi bắt đầu đưa doanh nghiệp của mình ra toàn cầu, cũng như sẽ truyền đạt lại những nền tảng tuy duy, kỹ năng, quy trình & công nghệ cho các thế hệ đi sau để xây dựng những thế hệ doanh nhân mới. Dĩ nhiên, kế hoạch lớn thì cần đội ngũ lớn, vì vậy nếu bạn là một người cầu tiến, ham học hỏi, uy tín, muốn tìm hướng đi lâu dài, cũng như cảm thấy mình đủ bản lĩnh để đương đầu với những thử thách mới và vươn lên, hãy nhắn tin cho tôi để tôi có thể trao đổi kỹ hơn với bạn về những kế hoạch sắp tới nhé. Tin rằng, cùng nhau ta sẽ tạo nên những điều vĩ đại.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?

Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.