Bạn thân mến, “thất bại” là thứ chẳng ai mong muốn gặp phải khi khởi sự bất kỳ việc gì. Tuy nhiên nếu ta biết cách học từ thất bại, như cách John Maxwell từng nói “sometimes you win, sometimes you lose learn”, thì những thất bại trong quá khứ lại chính là bàn đạp để ta vươn lên và xây dựng nền tảng thành công vững chãi.
Đối với tôi, số lần mà tôi thất bại cũng ngang ngửa với số lần thành công. Chiêm nghiệm lại, những lần tôi vươn được đến những đỉnh cao mới thì trước đó cuộc đời luôn vất vào tôi những thất bại bẽ bàng. Theo bạn một người từng thi rớt đại học, rồi bị đào thải trong doanh nghiệp, và gần như phá sản khi xây dựng doanh nghiệp riêng sẽ làm được gì cho đời?
Với một người ở tuổi 18, cú sốc lớn nhất chắc chắn phải là thi rớt đại học. Tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng 5 năm sau đó tôi tốt nghiệp khoa Điện tại trường ĐHBK TPHCM với số điểm luận án gần như tuyệt đối.
Với một người đi làm ở độ tuổi 28, cú sốc lớn nhất chắc chắn phải là thất nghiệp. Tôi cũng từng như vậy, cũng từng theo đuổi một dự án chủ chốt trong 5 năm rồi đùng một cái doanh nghiệp quyết định ngừng phát triển dự án đó và tôi được mời khéo để cuốn gói ra đường. Nhưng cũng 5 năm sau đó, tôi là một người chủ chốt mà doanh nghiệp mới muốn giữ lại ngay cả khi gặp những thời khắc khó khăn.
Với một người làm doanh nghiệp riêng, cú sốc lớn nhất chính là phá sản, chắc chắn là vậy rồi. Tôi xây dựng doanh nghiệp riêng từ đầu những năm 2012, và sau khoảng 5 năm thì những gì tôi nhận được là một doanh nghiệp èo uột trên bờ phá sản. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của tôi lại phát triển vững chắc ngay trong năm mà kinh tế thế giới biến động vì Covid.
Bạn của tôi, bạn đã từng gặp những thất bại nào trong đời? Và bạn đã làm gì để bẻ lái và vươn lên trong khi mọi thứ đang lao xuống vực? Tôi nghĩ bạn đã có cách của riêng bạn, và tôi cũng muốn chia sẻ thêm cách mà tôi đã vượt qua những thời khắc gian khó trong cuộc đời.
- Tin tưởng tuyệt đối vào chính mình. Không cần phải nói nhiều, nếu ngay cả mình còn không tin vào chính mình thì không ai có thể đặt niềm tin vào mình được nữa. Cuộc đời tôi không dưới 3 lần nằm ở tình huống không ai tin mình, mọi quyết định của tôi đều bị những người xung quanh phản đối. Nhưng tôi luôn tin tưởng vào chính mình.
Ở đây, tôi không nói tin vào chính mình một cách “mù quáng”, một dạng ảo tưởng sức mạnh. Niềm tin đó phải xuất phát từ những cơ sở rõ ràng. Thứ nhất, tôi tin chính mình vì những thành tích đã làm được trong quá khứ mà những người phản đối không làm được. Thứ hai, tôi tin vào chính mình bởi vì tôi là người làm việc cần cù, lời nói luôn đi đôi với hành động, không phải là dạng nói suông rồi ngồi đó trông chờ may mắn. Cuối cùng, tôi tin chính mình vì những gì tôi chuẩn bị làm đều là những việc đúng đắn, hợp với đạo lý làm người, đúng với xu hướng thời đại.
Niềm tin là một thứ khó giải thích, nhưng đó là thứ khiến những điều chưa tồn tại trở thành sự thật. Những gì tôi và bạn đang sử dụng ở hiện tại, từ cái điện thoại, máy tính, đến bất kỳ vật dụng nào, ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, nó chưa từng tồn tại và chỉ nằm trong ý tưởng của một người nào đó – người mà sẵn sàng biến những thứ viễn tưởng thành hiện tại. - Trung thành với lựa chọn. Vấn đề của hầu hết mọi người, đó là tìm cách trốn tránh khi vấn đề xảy ra mà không giải quyết triệt để vấn đề đó. Trốn tránh vấn đề là một lựa chọn dễ dàng, nhưng lại vô cùng tai hại trong đường dài. Nhiều bạn bè tôi chọn cách nhảy việc khi công việc gặp khó khăn, tìm hướng kinh doanh mới khi việc kinh doanh hiện tại không tiến triển, để rồi sau một thời gian làm việc mới, kinh doanh hướng mới lại gặp vấn đề tương tự.
Với tôi, bất cứ ngành nghề nào, công việc đúng đắn nào trong xã hội này đều có tiềm năng để phát triển, thậm chí là tiềm năng không giới hạn. Và việc của mỗi người là lựa chọn một nghề, sau đó trung thành với lựa chọn này cho dù bất cứ điều gì xảy ra. Khó khăn và thử thách chắc chắn sẽ đến, đặc biệt là khi ta muốn nâng tầm sự nghiệp lên một nấc thang mới. Tôi thấu hiểu điều này một cách sâu sắc, do đó ngay khi xác định được đâu là hướng đi mà tôi muốn phát triển trọn đời, tôi đã toàn tâm toàn ý để dành thời gian, tâm trí và sức lao động của mình để thực hiện nó. - Tìm thầy để học. Khi biết năng lực hiện tại của bản thân không thể giúp tôi giải quyết những vấn đề sắp tới, việc kế tiếp của tôi chính là “tầm sư học đạo”. Quá trình xây dựng sự nghiệp của tôi là một hành trình vừa học vừa làm, và tôi có may mắn học từ nhiều người thầy giỏi, từ công việc chuyên môn đến kinh doanh và những khía cạnh khác trong cuộc sống. Tôi không phải là người kiệt xuất, do đó lựa chọn của tôi chính là đi theo lối mòn của những người thành công đi trước, thay vì là người tiên phong cầm đuốc dẫn đoàn.
Khi chia sẻ điều này, nhiều bạn bè thường hỏi tôi là “tìm thầy ở đâu để đi theo?”, tôi chỉ đơn giản trả lời “khi người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện”. Trong thời buổi của thông tin, của nền kinh tế chia sẻ, sẽ không khó để bạn tìm được một người đi trước trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi và sẵn lòng dành thời gian để giúp bạn. Nếu có điều gì đó ngăn cản bạn tìm được người thầy phù hợp, tôi nghĩ là vì bạn chưa “sẵn sàng” để cái tôi của mình qua một bên, chưa “sẵn sàng” để đương đầu với những thử thách đấy thôi. - Xây dựng đội ngũ kế cận. Nhiều bạn bè quen biết tôi thường đặt câu hỏi “tại sao tôi vẫn duy trì chân trong chân ngoài, vì nếu làm song song 2 việc thì không thể nào đủ sức để làm tốt cả hai?”. Bí quyết của tôi chính là xây dựng một đội ngũ cốt lõi kế cận – gồm những người có thể làm tốt những việc quan trọng tôi đang làm ở hiện tại, để tôi có thể giao phó lại, từ đó tôi có thời gian để nghiên cứu và làm những việc quan trọng mới.
Bất cứ việc gì tôi từng làm, tôi đều cố gắng hoàn thành nó ở mức xuất sắc, nhờ đó tôi có được cái nhìn trọn vẹn về toàn bộ những gì cần thiết, dự đoán được những khó khăn sẽ gặp phải nếu một người thực hiện công việc. Sau đó tôi sẽ tìm cách đơn giản hóa phương pháp thực hiện bằng cách tạo ra công cụ hoặc quy trình, tài liệu chỉ dẫn. Kế tiếp, tôi đào tạo lại để đội ngũ cốt lõi thực hiện, qua đó có thể chỉnh sửa và hoàn thiện phương pháp thực hiện. Cuối cùng là tôi áp dụng cho toàn bộ nhân sự trong tổ chức. Đây chính là cách tôi tạo ra tầng tầng lớp lớp đội ngũ kế cận để cùng tôi phát triển doanh nghiệp.
Trên đây là những gì tôi đã áp dụng trong suốt hành trình 10 năm lập nghiệp của mình. Trong một vài dòng, khó có thể chia sẻ với bạn những khó khăn tôi gặp phải và cách tôi xử lý cho từng tình huống cụ thể như thế nào. Vậy nên, tôi tóm tắt lại trong một vài nguyên tắc cơ bản để bạn có thể áp dụng cho chính công việc hiện tại của bạn. Tôi cũng rất vui chia sẻ nhiều hơn với bạn về cách mình xử lý những vấn đề trong lập nghiệp, kinh doanh, các mối quan hệ, cũng như cách mà tôi đưa sự nghiệp của mình vươn đến đỉnh cao sau khi chạm vực thẳm. Bạn có thể nhắn tin với tôi để ta có thể kết nối trực tiếp và trao đổi cụ thể hơn nhé.
Tôi chúc cho bạn tiếp tục vững bước trên hành trình lập nghiệp, tiếp tục biến những khó khăn, thất bại ở hiện tại thành nền móng để xây dựng thành công tương lai.
Cho sự thành công của bạn,
Nguyễn Long Hải.