Làm thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân trong một nền kinh tế đầy biến động với rủi ro đào thải cao?
Làm thế nào để có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn trong tình trạng hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào khủng hoảng, phải giảm lương, lay-off để tồn tại?
Điều này hoàn toàn khả thi và thực tiễn, nếu như bạn chịu làm một việc.
Đó là “làm việc mà không được trả lương”.
Mới nghe thì bạn sẽ thấy vô lý. Nhưng tôi hoàn toàn không nói đùa.
Đó là công thức của Robert Kiyosaki – một guru hàng đầu về tài chính. Và bản thân tôi cũng đã áp dụng nó trong hơn 10 năm qua để phát triển sự nghiệp.
Để tôi giải thích cho bạn rõ hơn…
Bạn có đồng ý rằng, thu nhập mà bạn có được sẽ tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn tạo ra cho doanh nghiệp, cho khách hàng và xã hội?
Một nghịch lý là rất nhiều người mong muốn nhận được thu nhập cao hơn trong khi vẫn chỉ tạo ra giá trị y như cũ.
Điều đúng đắn nhất, đó là tập trung vào gia tăng giá trị mà bản thân tạo ra, rồi sau đó thu nhập sẽ đến như một kết quả – “byproduct” của quá trình đó.
Và làm sao để gia tăng giá trị? Đó là làm việc tập trung vào giá trị, thay vì chỉ để nhận lương.
Tôi đã áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn công việc như thế nào?
- Thứ nhất là tạo ra kết quả vượt trên mong đợi. Hầu hết mọi người chỉ làm việc để “meet requirement” và cho rằng “tôi được trả lương để chỉ làm đến mức đó”. Nhưng nếu bạn có thể tạo ra kết quả trên kỳ vọng, nó giống như là “bán cho khách hàng một món hàng và tặng kèm thêm một món quà nhỏ mà khách hàng không mong đợi có được”. Bạn sẽ có thêm được sự tin tưởng từ người giao việc để sau này mở ra cho bạn nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp hơn nữa.
- Thứ hai là sẵn sàng nhận lãnh những trách nhiệm mới. Cũng như ví dụ ở trên, hầu hết chúng ta chỉ làm những việc trong phạm vi trách nhiệm và cho rằng “nếu muốn tôi nhận trách nhiệm cao hơn, trước tiên hãy trả lương cho tôi nhiều hơn đi”. Nhưng trong ngần ấy năm đi làm ở nhiều tập đoàn, tôi chỉ thấy những người chịu nhận trách nhiệm cao hơn trước một vài năm và chứng minh rằng mình đã sẵn sàng cho vị trí mới, rồi sau đó mới được promotion, hoàn toàn không có chiều ngược lại.
- Thứ ba là dùng 2h buổi tối để tiếp tục nâng cấp bản thân. Tôi đã duy trì guồng làm việc “ngày tám, tối hai” từ lúc bắt đầu đi làm đến giờ. Ngày 8h làm việc giúp tôi duy trì cuộc sống ở level hiện tại, nhưng chính 2h buổi tối giúp tôi chuẩn bị bản thân mình tốt hơn cho những cơ hội ở tương lai. Những bằng cấp mới tôi có được như bằng cao học và các chứng chỉ chuyên môn khác đều đến từ 2h buổi tối này. Tôi cũng vận hành doanh nghiệp của riêng mình, làm các công tác về đào tạo & cố vấn bằng thời gian buổi tối. Thậm chí project ECIN mà tôi đang mở rộng, cũng là một cánh cửa để giúp các bạn cùng chí hướng dùng thời gian buổi tối không chỉ để làm việc gia tăng thu nhập, mà còn là tích lũy thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho những vận hội mới ở tương lai.
Ba nguyên tắc ở trên đã giúp tôi không chỉ sống sót sau nhiều giai đoạn biến động kinh tế trong khoảng 15 năm nay, mà thậm chí còn giúp tôi tiếp tục vươn lên khi mọi người đi chậm lại.
Một người thầy của tôi từng nói, nếu như bạn tập trung vào việc giải quyết tốt nhất vấn đề của khách hàng mà không mong đợi được trả tiền, rồi khách hàng sẽ dốc hết túi cho giải pháp của bạn. “Khách hàng” ở đây không chỉ là người mua sản phẩm nếu như bạn đang kinh doanh, mà còn là đồng nghiệp, là cấp trên, là cấp dưới của bạn, thậm chí còn là những mối quan hệ gia đình, bạn bè hữu hảo.
Nếu bạn áp dụng đúng nguyên tắc “làm việc không vì lương” này, tôi tin chắc chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ của bạn cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Cho sự thành công của bạn,
Nguyễn Long Hải.