Home / Blog / Business Learning / Vô danh hay không cần chức danh.

Vô danh hay không cần chức danh.

Bạn thân mến, có bao giờ bạn từng nỗ lực hết sức để đạt được một danh hiệu nào đó khi đi học, một vị trí nào trong tổ chức, để rồi khi đạt được, bạn lại thấy đứng trên đỉnh cao cũng chẳng có gì quá đặc biệt?

Tôi cũng đã từng như thế, đã từng vô cùng nỗ lực để trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành, kể cả cấp quốc gia, đã từng phấn đấu rất nhiều để trở thành kỹ sư giỏi nhất trong thế hệ của mình ở một tập đoàn hàng đầu. Có những thời điểm, tôi đã rất tự hào về bản thân, nhưng rồi không lâu sau đó, tôi nhận ra rằng, đứng trên đỉnh núi một mình chẳng thú vị gì, ngoài việc cảm thấy lạnh lẽo và cô đơn. Thậm chí cay đắng hơn hết cả, đó là nỗ lực rất nhiều để lên đến đỉnh thì tôi mới nhận ra mình đã leo nhầm núi.

Tôi cũng có dịp nói chuyện với nhiều anh em, bạn bè đang nắm giữ những vị trí quản lý trong các tập đoàn hàng đầu. Một số cũng có những trải nghiệm giống tôi, mặc dù có địa vị mà nhiều người mơ ước, nhưng họ luôn cảm thấy cô đơn.  Nhiều anh em sống với guồng xoáy công việc đến nối không có thời gian cho bản thân, gia đình & những mối quan hệ xã hội khác. Để rồi đến khi họ rời khỏi doanh nghiệp vì lý do tuổi tác, hoặc thay đổi định hướng, nhìn lại thì cũng chẳng còn gì ở doanh nghiệp cũ. Mấy anh em chia sẻ cảm giác đó giống như một người dành cả thanh xuân để leo lên đỉnh núi, đến đỉnh mới thấy đó không phải là đỉnh mình cần leo, và lại cặm cụi xuống núi để leo lại từ đầu, lúc đó nhìn mình đúng nghĩa là “ông già leo núi”.

Qua những trải nghiệm đó, tôi bắt đầu thay đổi định hướng, không còn muốn chạy theo những danh hiệu, vị trí nữa. Dĩ nhiên, tôi vẫn nỗ lực phấn đấu chứ không phải chấp nhận trở thành một người vô danh. Tôi theo đuổi một hình mẫu lãnh đạo mới – “lãnh đạo không chức danh”. Quyết định này đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của tôi trong những năm qua, biến tôi từ một người cô độc trên đỉnh núi thấp trở thành một người đang cùng những anh em cùng chí hướng chinh phục những đỉnh núi cao – nơi mà tôi không thể một mình đến được.

Dưới đây là 3 nguyên tắc chính tôi đưa ra và thực hiện trong suốt 5 năm nay để biến mình thành một “nhà lãnh đạo không chức danh”

  • Giá trị của một người được định nghĩa bằng những điều họ cho đi. Tôi từng nghĩ rằng giá trị của mình nằm ở những thứ mình nhận được, từ những bằng cấp, vị trí & tài sản hiện tại. Nhưng khi tập trung vào việc gia tăng những gì mình được nhận, tôi lại ở trong một trạng thái phải giành giật, so đo với những người khác. Điều này không tốt về lâu dài, bởi nếu sống theo kiểu kẻ mạnh mới có thể chiến thắng, vậy thì khi tôi không còn đủ sự mạnh mẽ, tôi chắc chắn sẽ thua cuộc. Do đó, tôi tập trung vào việc làm sao để bản thân có thể đóng góp nhiều nhất cho tổ chức, làm sao để có thể giúp giải quyết vấn đề của những người xung quanh. Khi tôi cho đi những thứ quý giá của mình, như thời gian, chất xám, sự quan tâm, tôi cũng nhận lại được những thứ quý giá tương tự, như là sự tôn trọng, quý mến, giúp đỡ từ mọi người, và dĩ nhiên là cả tiền bạc nữa.   
  • Năng lực của một người phụ thuộc vào năng lực của người cố vấn. Để có thể cho đi nhiều hơn, cho đi những thứ giá trị hơn, tôi bắt buộc phải gia tăng năng lực của mình. Tôi nhận ra cách tốt nhất để không ngừng nâng cấp khả năng bản thân, đó là đi theo học hỏi và làm theo một người cố vấn, vốn là người giỏi hơn tôi nhiều lần trong cuộc sống. Điều này không dễ, nhưng là thứ bắt buộc phải làm. Thường mỗi người khi lập nghiệp một vài năm, khi thu nhập họ phát triển cũng là lúc cái tôi lớn dần, đến một thời điểm, mọi quyết định trong cuộc sống được ta đưa ra đều dựa trên quan điểm của bản thân. Nhưng vốn dĩ con người không hoàn hao nên chắc chắn sẽ có những vấn đề trong cuộc sống nằm ngoài khả năng giải quyết của ta. Vậy ta sẽ làm gì khi tình huống đó xảy ra? Do đó, thầy tôi nói rằng, hoặc là con giữ cái tôi, hoặc là con trở nên giàu có, con không thể nào có cả hai.
  • Giới hạn về thành công nằm trong giới hạn của nhóm cốt lõi. “Teamwork makes dreams work”. Nếu dựa trên những gì mà một mình tôi có thể làm được, tôi sẽ thấy những điều mình sẽ có vô cùng nhỏ bé, và những ước mơ về cuộc sống ngoại hạng nằm ngoài tầm với. Nhưng khi không ngừng gia tăng số lượng & chất lượng của nhóm làm việc cốt lõi – là những người đồng đội có cùng chí hướng, có đủ năng lực và cam kết gắn bó lâu dài, tôi nhận thấy không điều gì là bất khả thi. Điều này giống như việc một người thợ xây giỏi cỡ nào chị một mình xây dựng được căn nhà một hai tầng lầu là hết, nhưng khi kết hợp hàng trăm, hàng ngàn người thợ xây giỏi, những căn nhà chọc trời sẽ lần lượt được xây nên.

Có 1 câu danh ngôn nói rằng: “Có những người nghèo đến nỗi tất cả những gì họ có chỉ là tiền”. Thoạt đầu tôi đã từng nghĩ nó vô lý, nhưng nghĩ lại thì vô cùng đúng. Bởi chỉ khi nghèo ta mới phải lo nghĩ và bận tâm về tiền bạc, còn giàu có rồi thì ta sẽ quan tâm đến những thứ khác có ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Tôi nhận thấy chức vị, danh hiệu cũng vậy, tôi từng chạy theo nó vì lúc đó tôi đang “nghèo”. Nhưng khi bỏ qua việc theo đuổi những danh hiệu để trở thành “người lãnh đạo không chức danh”, tôi trở nên giàu có toàn diện. Tôi khuyến khích bạn cũng trở thành một tấm gương như vậy, để cùng nhau đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

Bạn thân mến, bạn có đồng ý với những quan điểm trên của tôi chứ? Hãy chia sẻ với tôi những trải nghiệm của bạn về việc làm thế nào trở thành một người lãnh đạo tốt, một người bạn đời, người cha/người mẹ tốt nhé.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

BỀN VỮNG HAY THẦN TỐC?

Trong suốt nhiều năm nay, tôi luôn lấy “phát triển bền vững” là trọng tâm ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.