Home / Blog / My Sharing About Life / 3 nguyên tắc vàng được người thành đạt áp dụng khi họ ở tuổi 25.

3 nguyên tắc vàng được người thành đạt áp dụng khi họ ở tuổi 25.

Tôi có may mắn được gặp, được nghe và nói chuyện với những người thành đạt trong cuộc sống, mà tôi hay gọi là những người thầy. Có những người đã vươn đến đỉnh cao trong sự nghiệp của họ, từ chuyên môn kỹ thuật, đến những lĩnh vực kinh doanh. Và may mắn hơn nữa là tôi gặp họ trong những năm đầu bước vào đời, do đó tôi có thể xây dựng được cho mình hệ thống tư duy, niềm tin, tầm nhìn và định hướng sự nghiệp đúng ngay từ những năm 25 tuổi.

Câu hỏi tôi thường đặt ra cho những người thầy của mình là “Làm cách nào anh/chị có thể xây dựng được sự nghiệp vượt qua những người bạn cùng thế hệ?”, “Làm thế nào anh/chị có thể tạo hiệu quả cao trong công việc?”, “Làm thế nào để anh/chị cân bằng được công việc và cuộc sống?”. Và thật ngạc nhiên là tôi nhận được những câu trả lời gần như giống nhau, mặc dù những người thầy của tôi có trải nghiệm sống và chuyên môn khác nhau. Từ đó, tôi đã học và áp dụng cho riêng bản thân mình và trong vài năm nay, tôi bắt đầu gặt hái được quả ngọt từ việc vận dụng những bí quyết này.

Tôi cũng đặc biệt chia sẻ 3 nguyên tắc thành đạt này với các bạn đang ở khoảng 25 tuổi. Tôi nhận thấy 25 tuổi là thời điểm cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp, bởi những quyết định ở thời điểm này ảnh hưởng rất lớn đến định hướng cả đời của một người. Thông thường một người ở tuổi này, họ đã hoàn thành chương trình giáo dục “bắt buộc” và có một công việc đủ để nuôi sống bản thân, từ đó họ có toàn quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm cho việc định hướng sự nghiệp của mình. Nếu bạn đang ở độ tuổi này và khát khao thay đổi cuộc sống, tôi chắc chắn những gì tôi chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn đi nhanh và xa hơn trong sự nghiệp của mình. Nào, hãy cùng bắt đầu nhé.

Nguyên tắc 1 – Làm việc chăm chỉ: bạn cần làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày nếu muốn tạo sự khác biệt. Làm việc 8h/ngày, 5 ngày/tuần chỉ đủ để giúp bạn duy trì cuộc sống ở mức vừa phải, hoặc dư ra một chút để dự phòng. Đó cũng là thời gian đủ để bạn hoàn thành công việc ở công ty với nền tảng kiến thức và kỹ năng hiện có.  Bạn muốn nâng cao năng lực bản thân, từ đó nâng cao thu nhập? Bạn phải dành thêm thời gian ngoài giờ hành chính để thực hiện những kế hoạch mới. Vào thời điểm mới bắt đầu lập nghiệp, nhận thức được việc phải nỗ lực hơn để tạo ra sự khác biệt với bạn bè cùng lứa, tôi từng làm việc gần 90h/tuần. Ngoài 8h làm việc công ty mỗi ngày, tôi dành 2h chạy xe mỗi ngày để nghe bài nói tiếng Anh, tôi dành thêm 30p giờ nghỉ trưa, 1h vào buổi tối để đọc sách. Từ 18h-21h tôi phát triển kinh doanh, 21h—23h tôi nghiên cứu tài liệu cao học. Cuối tuần đi học cao học và tham gia một số khóa training. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã hoàn thành chương trình cao học, cũng như một số hệ thống kinh doanh bắt đầu tự vận hành, tôi vẫn cố gắng duy trì hiệu suất làm viêc tương đương. Tôi biết khi tôi chia sẻ điều này, bạn sẽ có những lý do NHƯNG sau đây:

  • NHƯNG CÔNG VIỆC CỦA TÔI CHIẾM NHIỀU HƠN 8H/NGÀY, VÀ SAU GIỜ LÀM VIỆC TÔI RẤT MỆT MỎI: Đó chính là vấn đề bạn cần phải giải quyết. Nhiều bạn tự hào vì mình bận rộn. Nhưng tôi muốn hỏi là bạn đang bận rộn cho điều gì, và bạn có muốn bận rộn như vậy cả đời không? Bận rộn thực ra là vấn đề cần phải giải quyết, không phải niềm tự hào. Bạn mệt mỏi sau giờ làm việc, vậy tôi muốn hỏi là bạn bây giờ bao nhiêu tuổi? Nếu bạn đang mệt mỏi chỉ để làm việc ở tuổi 25-30, vậy thì khi 35-40 tuổi, bạn có khỏe hơn không? Nếu câu trả lời cho những câu hỏi trên là “KHÔNG”, vậy thì tôi nghĩ bạn cần thay đổi. Bạn cần dành thêm thời gian để nâng cao năng lực của mình để giải quyết công việc hiệu quả hơn, bạn cần biết trao lại những công việc vốn không phải trong thế mạnh cho người khác giỏi việc hơn. Có thể bạn sẽ phải mệt mỏi hơn, bận rộn hơn, nhưng về lâu dài bạn sẽ có thêm thời gian và sức lực để làm những việc có ý nghĩa hơn, thay vì chỉ kiếm sống qua ngày.
  • NHƯNG TÔI THÍCH WORK SMART (LÀM VIỆC THÔNG MINH) HƠN LÀ WORK HARD (LÀM VIỆC NHIỀU). Tôi gặp rất nhiều bạn lấy điều này làm lý do cho sự lười biếng của mình, các bạn không work hard, mà khi các bạn work tôi cũng chẳng thấy smart tí nào. Bí mật ở đây là khi bạn không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ chẳng thể nào tìm ra cách để làm việc hiệu quả hơn. Trong cuốn “CHIẾN THẮNG TRÒ CHƠI CUỘC SỐNG” của Adam Khoo, ông ấy nhắc đến công thức 10.000h: “Bạn sẽ trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nếu bạn làm việc trong lĩnh vực đó đủ 10.000h”. Nói đơn giản hơn, nếu bạn tập trung làm việc liên tục 8h/ngày, bạn cần xấp xỉ 5 năm để trở thành chuyên gia. Nếu bạn chưa tích lũy đủ thời gian làm việc này, hãy tiếp tục WORK HARD, và rồi bạn sẽ tìm được cách WORK SMART đâu đó trong hành trình này.

Bạn thân mến, đến giờ này tôi vẫn duy trì công việc kỹ thuật song song với việc vận hành kinh doanh riêng của mình. Tôi vẫn bận rộn để thực hiện những kế hoạch cuộc đời. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác so với thời điểm tôi bắt đầu lập nghiệp. Tôi bận rộn vì đó là lựa chọn của tôi, không phải là bắt buộc phải làm, bởi hiện tại tôi cảm thấy mình vẫn muốn cống hiến và phát triển trong những lĩnh vực mình đang theo đuổi. Tôi bận rộn để phát triển những kỹ năng mới, để làm những việc mà tôi chưa từng thực hiện, bởi những việc trước kia tôi phải tự làm, giờ đây hệ thống máy móc và những người đồng hành đang làm giúp tôi. Tôi tin nếu bạn đủ kiên trì và nỗ lực, quả ngọt sẽ đến với bạn.

Nguyên tắc 2 – Truyền đam mê vào công việc: hiển nhiên rồi, khi có đam mê thì bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, và bạn sẽ thấy việc mình đang làm thật sự có giá trị. Vậy bạn định nghĩa đam mê là gì? Theo tôi, định nghĩa mà tôi thích nhất đó là “sẵn sàng làm một việc không nhằm được trả công, nhưng bạn làm nó tốt đến nỗi người ta phải sẵn lòng trả công cho bạn cao hơn những người khác”. Tuy nhiên, gần đây tôi gặp không ít các bạn sau khi học những khóa kỹ năng mềm hoặc NLP về, họ rất hay dùng từ “đam mê” này để làm lý do làm hay không làm một việc gì của họ. Nhưng bản thân các bạn không hiểu rõ “đam mê” là gì, mà chỉ nói một cách sáo rỗng. Sau đây là những ngộ nhận cực kỳ nguy hiểm nếu bạn không biết rõ “đam mê” thực sự như thế nào.

NHẦM LẪN GIỮA MẢI MÊ, SAY MÊ VÀ ĐAM MÊ. Tiếng Việt mình kể ra cũng phong phú, 3 từ trên đều diễn tả về cách làm việc một cách tập trung và quên đi những thứ xung quanh, tuy nhiên cấp độ của nó thì khác nhau.

  • Mải mê: bạn làm việc liên tục để giải quyết một vấn đề phát sinh. Mục tiêu của bạn là tìm cách làm cho xong nó. (VD: việc gấp ở công ty bạn cần hoàn thành để kịp deadline).
  • Say mê: bạn làm việc mà bạn yêu thích. Mục tiêu của bạn là thỏa mãn sở thích của cá nhân. (VD: đi shopping, chơi thể thao,… đó là những việc mà bạn có thể làm mà không biết chán nếu là sở thích của bạn)
  • Đam mê: việc bạn làm có thể bạn thích hoặc không thích, nhưng kết quả nó tạo ra thực sự có ý nghĩa với bạn và những người xung quanh. Mục tiêu của bạn nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của bạn hoặc tổ chức. (VD: bạn dành thời gian để tạo ra một sản phẩm đột phá, nhằm mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và mang doanh thu vê cho doanh nghiệp).

Tôi cũng đã trải qua một thời gian dài nhầm lẫn giữa những khái niệm này, và chỉ thực sự tìm ra được đam mê của mình trong vài năm qua. Tôi có năng khiếu trong việc lập trình, tôi từng dành hàng giờ liền để nghĩ về những giải thuật mới (do đó tôi mới chọn học Điện tử viễn thông và làm ngành thiết kế vi mạch), nhưng rồi tôi nhận ra rằng việc mình có khả năng làm tốt cũng chưa hẳn là việc mình muốn cống hiến trọn đời. Tôi say mê bóng đá, tôi có thể nghỉ học để tham gia một trận banh cùng bạn bè, từng lên bàn mổ 2 lần để xử lý những chấn thương do môn thể thao này mà vẫn tiếp tục chơi sau khi hồi phục, nhưng rồi tôi nhận ra rằng việc mình thích làm cũng chưa hẳn giúp mình đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống. Tôi đã sử dụng những câu hỏi định hướng, qua đó khám phá ra đam mê và mục tiêu lớn của cuộc đời, đó là những câu hỏi sau

  • Việc gì tôi có thể sẵn sàng dành hàng giờ làm việc mà không nghĩ đến được trả công thế nào?
  • Việc gì khi làm thì tôi có thể gác thời gian dành cho những việc khác sang một bên?
  • Việc gì mà để thực hiện, tôi có thể hy sinh những quyền lợi của bản thân?
  • Việc gì mà khi hoàn thành, nó khiến tôi ở trạng thái hạnh phúc và tự hào về mình nhất?

Lời giải cuối cùng cho những câu hỏi đó, tôi tìm được đam mê của mình. Thứ nhất, tôi muốn những gì tôi đã làm có thể tự vận hành mà không cần sự có mặt của mình. [Tôi nhận ra điều này khi nhìn thấy những mô hình robot hoạt động nhờ vào thiết kế và lập trình của tôi]. Thứ hai, tôi muốn nhìn thấy sự thành đạt của những người tôi giúp đỡ, hơn là chỉ thành công cho riêng mình. [ Tôi nhận ra đam mê này khi thời sinh viên, nhiều năm liền tôi dạy luyện thi đại học với mức thù lao chỉ bằng một người dạy kèm cấp 1, sẵn sàng nghỉ tiết học của mình để lên lớp dạy học trò. Sau này đến lúc đi làm, tôi lại tiếp tục hướng dẫn luận văn cho các bạn đi sau, thức khuya thức hôm hỗ trợ các bạn và nhận mức phí chỉ bằng 1/3 tháng lương khởi điểm mà sau này các bạn đi làm lãnh được. Tôi luôn nhớ cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện khi nghe những tin đậu đại học, cao đẳng, những tin điểm luận văn được loại khá, loại giỏi. Cảm xúc này còn lớn hơn nhiều lần so với khi tôi đạt những giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia hoặc nhận học bổng thời còn đi học. ]

Đó cũng là lý do tôi lựa chọn định hướng sự nghiệp lâu dài của mình theo hướng xây dựng những hệ thống kinh doanh tự vận hành, đồng thời hỗ trợ và đào tạo các bạn đi sau cùng phát triển với tôi trong lĩnh vực này.

Còn bạn thì sao? Liệu những gì bạn đang làm và bạn nghĩ là đam mê, đó có thật sự là đam mê hay chỉ là những sở thích hay thú vui nhất thời?

LẤY ĐAM MÊ LÀM LÝ DO CHO VIỆC THÍCH LÀM VÀ VIỆC CẦN LÀM. Mỗi quyết định của chúng ta bị chi phối bởi 2 “thế lực”, đó là cảm xúc và lý trí. Thường khi còn nhỏ, ta để cảm xúc lấn át lý trí và tạo ra những hành động của mình, điều này có thể chấp nhận được trong một chừng mực nào đó. Nhưng cột mốc để đánh dấu một người trưởng thành, đó là khi họ để cho lý trí kiểm soát hành vi. Lấy một ví dụ, nhiều lúc ta thích một người bạn khác giới mà không hiểu vì lý do vì đâu, đó là cảm xúc. Nhưng khi lựa chọn một người bạn đời, ta cần để cho lý trí lên tiếng (dĩ nhiên đó cũng phải là người mà bạn có sự yêu mến). Bởi chọn người để lấy là 1 trong 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời. Và điều này cũng đúng trong hầu hết các sự lựa chọn khác, bạn cần dùng lý trí để đưa ra quyết định.  Bạn có thể nói “Tôi chọn (không chọn) làm việc này vì nó là (không là) đam mê của tôi.”, tuy nhiên trước đó bạn nên suy xét đó là việc bạn thích làm hay là việc bạn cần làm. Bạn hiểu ý tôi chứ, bạn có thể thích đi du lịch, thích nghỉ ngơi cả ngày dài, nhưng bạn cần phải làm việc trước đã. Chỉ khi bạn đạt được điều mình cần, đến lúc đó bạn mới nên thực hiện những gì mình thích.

Nguyên tắc 3 – Thứ tự ưu tiên: nếu bạn theo dõi những gì Hải chia sẻ trong suốt thời gian vừa qua, có thể bạn sẽ nghĩ Hải là một người của công việc, và Hải sẽ phải bỏ qua những thời gian dành cho gia đình, bạn bè và những trò giải trí. Bạn đã đúng, nhưng đó là trước khi Hải học được cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Bạn biết đấy, thời gian là thứ mà ta không thể tạo ra, cũng như không thể lưu giữ lại được, do đó ta chỉ có thể học cách để sử dụng nó thật hợp lý. Nếu chưa biết kỹ năng này, bạn có thể đọc 3 chương đầu tiền của cuốn sách “7 thói quen để thành đạt”, từ đó bạn sẽ biết sắp xếp công việc giữa quan trọng – không quan trọng, giữa cấp bách – không cấp bách.

Tất cả chúng ta ai cũng có 24h mỗi ngày như nhau, không phân biệt tuổi tác, địa vị và trình độ học vấn. Chúng ta ai cũng bận rộn với hàng tá những việc mỗi ngày để hoàn thành trách nhiệm của một người nhân viên, người con, người bạn đời, người cha, người mẹ. Ta cũng không thể đợi đến lúc rảnh rỗi, hoặc chờ một thời điểm hoàn hảo nào đó để thực hiện những kế hoạch lớn. « Người thành công luôn luôn bận rộn, nhưng họ luôn có thời gian cho những gì quan trọng nhất »

Tôi có 2 nguyên tắc áp dụng cho bản thân, thứ nhất là “giờ nào việc nấy”, thứ hai là “ưu tiên thực hiện những việc quan trọng mà nhất thiết phải cần sự có mặt của tôi”.

Tôi chia khung giờ cố định mỗi ngày, trong mỗi khung giờ đó, tôi định ra việc quan trọng nhất mà mình cần thực hiện. Và trong khung giờ đó, tôi dành toàn bộ sự tập trung để thực hiện việc đã định. Chỉ khi nào việc hoàn thành, tôi mới dùng thời gian còn lại trong khung giờ để làm việc khác. Từ 8h sáng đến 6h chiều, tôi làm công việc chuyên môn, từ 6h chiều đến 9h tối, tôi phát triển kinh doanh, từ 9h-10h tối là thời gian trò chuyện cùng những người thân trong gia đình. Sau 10h tối là học hỏi phát triển kỹ năng. Thường cuối tuần tôi dành ngày thứ 7 cho gia đình và những sở thích cá nhân, chủ nhật thì là thời gian để hoạt động cộng đồng. Nhờ vào nguyên tắc “giờ nào việc nấy”, tôi có đủ sự tập trung làm việc và đạt được hiệu quả cao trong công việc, cũng như giữ cân bằng cuộc sống.

Trong xử lý công việc, để biết việc nào là quan trọng và cần tôi phải giải quyết, tôi đặt cho mình 3 câu hỏi:

  • Việc tôi sắp làm có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của tôi trong ngắn hạn và dài hạn không? Nếu có tôi sẽ làm.
  • Có người nào có thể thay tôi làm việc này và tạo ra kết quả tốt hơn tôi không? Nếu không có ai, tôi sẽ làm.
  • Có ai đó có khả năng làm việc này thay thế tôi trong tương lai không? Nếu có tôi sẽ hướng dẫn người đó cùng làm với tôi.

Nhờ 3 câu hỏi này, tôi có thể chọn làm những việc thuộc về thế mạnh của mình, những việc không phải thế mạnh thì tôi sẽ nhờ người khác giỏi hơn giải quyết (tôi có nhóm làm việc gồm nhiều người, mỗi người lại giỏi mỗi chuyên môn khác nhau). Và xa hơn nữa, tôi có thể phát triển những thành viên mới thay tôi làm những việc tôi đã quen, từ đó tôi có thêm thời gian để học hỏi và thực hiện những việc mới.

Bạn thân mến, bài viết này khá dài. Nhưng nếu bạn đang đọc những dòng này sau khi đã theo dõi hết những chia sẻ phía trên, tôi nghĩ bạn thật sự là một người đang tìm kiếm sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Và cũng có thể bạn có một sự quan tâm nào đó đến Hải và những gì Hải đang thực hiện. Vậy thì những chia sẻ phía dưới chắc chắn sẽ dành riêng cho bạn:

“Trong khoảng 5 năm vừa qua, tôi có một may mắn là nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân thành đạt và những tổ chức hỗ trợ phi chính phủ, để giúp tôi xây dựng tính cách, kỹ năng và sự nghiệp. Tôi nhận thấy cách duy nhất để một người thấp bé trở thành một người khổng lồ là đứng trên vai những người khổng lồ khác. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, đó là kết nối và hỗ trợ những trí thức Việt trẻ để các bạn có thể nhận được sự đào tạo, hướng dẫn từ những nguồn tài nguyên đã giúp tôi nâng tầm cuộc sống. Nếu bạn là một người cầu tiến và đang tìm những người thầy để giúp bạn định hướng trong sự nghệp và làm chủ nguồn thu nhập của mình, hoặc bạn biết những người bạn giống như vậy, hãy liên lạc với tôi qua email info@nguyenlonghai.com.  Bạn có thể chia sẻ cùng tôi những tâm tư, nguyện vọng của bạn, cũng như số điện thoại cá nhân, tôi sẽ chủ động liên lạc với bạn khi sắp xếp xong công việc”

Cho sự thành công của bạn.

 

Check Also

Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?

Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.