Làm thế nào để thành công là chủ đề mà mọi thế hệ lập nghiệp đều quan tâm. Nhưng sau ngần ấy năm, nó vẫn được coi là “bí mật” mà rất nhiều người kiếm tìm nhưng hiếm người có được.
Ngay cả khi con người có thể chinh phục bầu trời, sau đó là thám hiểm vũ trụ, biết được những gì cách chúng ta trăm năm ánh sáng, thì “bí kíp thành công” vẫn là thứ mà nhiều người đang trăn trở hàng đêm.
Ngay cả khi tiến bộ công nghệ biến mỗi chúng ta thành “thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn” với chỉ một chiếc điện thoại, rồi A.I có thể thay con người nghiên cứu và sàng lọc thông tin, người ta vẫn lạc lối trên hành trình chinh phục thành công.
Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì hầu hết chúng ta đang tìm cách “bẻ ngọn” chứ không sẵn sàng “xây gốc”.
Tôi quan sát có nhiều anh em ban ngày đi làm với tâm thái làm cho xong việc rồi chờ lãnh lương, rồi tối về dành hàng giờ để lao vào cuộc chơi “đu đỉnh, bắt đáy”, hy vọng mình sẽ trở thành một “chuyên gia đầu tư” và trở nên giàu có.
“Bẻ ngọn” không có gì xấu. Giống như có gieo trồng thì phải có thu hoạch. Nhưng nếu chỉ dành tâm trí cho việc “bẻ ngọn” mà không quan tâm đến việc “xây gốc” thì sự nghiệp sẽ kém lâu dài.
Giống như đợt IPO vừa rồi của Vinfast, chỉ trong vài đêm ngắn ngủi lên sàn, cổ phiếu tăng chóng mặt khiến một thương hiệu non trẻ trở thành doanh nghiệp được định giá top đầu trong ngành sản xuất ô tô.
Nhưng rồi khi cơn sóng qua đi, Vinfast lại trở về mặt đất và tiếp tục đi trên hành trình gầy dựng nền tảng nếu muốn vượt qua những ông lớn với thâm niên hơn trăm năm trong ngành công nghiệp này.
Vậy nên, câu hỏi đặt ra cho người lập nghiệp, đó là ta đang theo đuổi những thứ hào nhoáng nhất thời, hay muốn đạt được thành tựu lâu dài? Đây là điều quan trọng, vì nếu không định hướng ngay từ đầu, ta sẽ không biết cách làm hiện tại của mình có phù hợp hay không.
Giống như một người muốn có sự nghiệp lâu dài nhưng lại chỉ kiếm tìm những cơ hội “làm giàu nhanh”, vậy thì cách tiếp cận đó đã có vấn đề.
Với cá nhân tôi, khi chọn con đường “xây gốc” từ những năm 25 tuổi, tôi đã tập trung vào những con đường “chậm mà chắc”. Đó là những con đường mà việc chuẩn bị không tính bằng tháng, bằng năm, mà là bằng thập niên.
Năm 2011 tôi bắt đầu công tác trong ngành thiết kế vi mạch và kiên trì theo đuổi cùng rất nhiều kỹ sư cùng thế hệ. Thời điểm đó ngành này thậm chí còn không có trong chương trình đào tạo đại học. Và sau đó tròn 1 con giáp, người ta mới biết đến sự tồn tại của ngành này. Năm nay, phát triển kỹ sư thiết kế vi mạch chính là trọng tâm đào tạo với hơn 50 trường ĐH mở mới ngành này ở VN.
Tôi thậm chí đã học, nghiên cứu và tìm cách phát triển kinh doanh trên Internet từ năm 2006. Thời điểm đó ở Việt Nam còn chưa có bất kỳ kênh thương mại điện tử nào. Cũng mất 1 con giáp làm việc cật lực để tôi hoàn thiện cơ sở vật chất, chính thức triển khai project ECIN và mang chương trình hợp tác kinh doanh này đến cộng đồng.
Quan trọng hơn nữa, tôi đã toàn tâm toàn ý để triển khai chân trong và chân ngoài của mình và hoàn toàn không dính dáng đến bất cứ cơ hội “làm giàu nhanh” nào. Một điều khá khôi hài, đó là một người sử dụng công nghệ hàng ngày, làm trong ngành công nghệ và tạo ra công nghệ lại không sở hữu bất kỳ đồng tiền điện tử nào. Đó là bởi vì tôi không muốn đặt sự thăng tiến và giàu có của mình vào sự trồi sụt thiếu ổn định của thị trường.
Bạn của tôi, một lời khuyên của tôi dành cho bạn, nếu bạn cũng là người đang tìm cách xây dựng sự nghiệp lâu dài, đó là hãy “chọn thầy mà học, chọn bạn mà chơi” trước khi chọn việc để làm. Kinh nghiệm của ông bà từ ngàn xưa rất thâm thúy. Cơ hội trong cuộc đời là không thiếu, nhưng làm gì mà không có thầy, không có đội ngũ thì sẽ rất khó để đi xa. Hãy chọn thầy đúng, bạn đúng trước khi nỗ lực, bạn nhé.
Cho sự thành công của bạn,
Nguyễn Long Hải.