Hiếm có người nào chọn đúng nghề để làm. Tại sao lại như vậy? Thử hỏi…
- Có bao nhiêu sinh viên đang được học đúng trường, đúng ngành mà họ có thế mạnh? Hay là phần lớn chỉ đang theo học ở nơi mà họ đủ điểm để đậu?
- Có bao nhiêu người mới đi làm được nhận vào làm đúng chuyên ngành mà họ được đào tạo? Hay là họ sẵn sàng làm bất cứ công việc gì được nhận để trang trải cuộc sống?
- Có bao nhiêu người sau 10 năm đi làm vẫn theo đuổi đúng chuyên ngành được đào tạo đại học? Hay là họ đã trở thành “chuyên gia” trong một ngành nghề khác?
Bạn sẽ thấy câu trả lời phần lớn nằm ở vế thứ hai, có nghĩa là nghề chọn người.
Điều này không có gì sai. Bởi vì hầu hết chúng ta lúc trẻ đều không có đủ sự chín chắn để chọn nghề. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn “không có quyền lựa chọn” bởi những áp lực không nhỏ từ cuộc sống, gia đình và cả xã hội.
Cá nhân tôi cũng vậy, mặc dù ý thức được việc mình cần phải chọn đúng nghề ngay từ lúc trẻ, nhưng rồi trải qua gần 20 năm lập nghiệp, cuối cùng cũng là “nghề chọn người”.
Tôi biết mình có thế mạnh về lập trình phần mềm từ thời phổ thông, nhưng rồi trải qua nhiều lần thi đại học, trong đó có lần thi rớt vào ngành IT, cuối cùng tôi theo học ngành điện tử, tập trung thiết kế phần cứng.
Sau này đi làm, tôi lại bắt đầu và gắn bó với lĩnh vực thiết kế vi mạch, là ngành mà không có trong chương trình đào tạo đại học và cả cao học thời đó. Cũng không phải tôi chọn, mà là trong số nhiều công ty mà mình ứng tuyển, công ty duy nhất nhận tôi làm là công ty về lĩnh vực này.
Rồi khi trải qua một vài biến cố trong cuộc sống, tôi thấy việc cần thiết phải xây dựng doanh nghiệp riêng. Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi gần như phải học tất cả mọi thứ từ đầu để có đủ kỹ năng vận hành business của mình.
Đúng là rất khó để người chọn nghề. Nhưng nghề chỉ là thứ giúp bạn bắt đầu sự nghiệp, không phải là thứ để bạn kết thúc.
Bạn sẽ thấy rằng, “nghề nghiệp” là từ ghép đi chung với nhau, “nghề” bắt đầu nhưng “nghiệp” mới là cái đích. Nghề chọn người là thứ mà ta không nắm quyền kiểm soát. Nhưng người cần phải chọn nghiệp. Ông bà đùng từ “lập nghiệp” chứ không dùng “lập nghề” là vậy.
Đối với tôi “nghề” là một công cụ, một bộ kỹ năng để giúp tôi vào đời và vận hành cuộc sống. Còn “nghiệp” chính là những gì tôi gầy dựng được khi sử dụng công cụ “nghề”. Và thứ quan trọng nhất mà tôi gầy dựng được khi lập nghiệp, đó chính là con người mà tôi trở thành. Con người đó bao gồm rất nhiều yếu tố quan trọng mà trường học không dạy, đó là tinh thần, thái độ làm việc, là kỹ năng đối nhân xử thế, và đặc biệt là năng lực quản lý và lãnh đạo.
Bạn của tôi, nếu ví đời lập nghiệp gồm 60 năm, thì nó có thể chia làm 3 giai đoạn.
- 20 năm đầu, con người của bạn hầu hết là do hoàn cảnh, xuất thân tạo thành.
- 20 năm sau, con người của bạn được quyết định bởi năng lực và trình độ mà bạn đang có.
- 20 năm cuối, con người của bạn là kết quả của những lựa chọn tích luỹ từ trẻ tạo thành.
Bạn sẽ thấy cái nghề giúp bạn bắt đầu, nhưng cái nghiệp và con người mà bạn trở thành chính là điểm kết thúc. Và hành trình đó sẽ là sự chuyển đổi từ việc hoàn cảnh quyết định cuộc sống, trở thành lựa chọn quyết định cuộc sống.
Và hiển nhiên, đừng để cái “bất lực” khi chọn nghề lúc bạn còn trẻ ảnh hưởng đến hành trình chọn nghiệp khi bạn đã trưởng thành.
Sau khi đi làm và có thể tự nuôi sống bản thân, bạn có toàn quyền quyết định kỹ năng mới mà bạn sẽ chinh phục, bạn bè mà mình sẽ kết giao, thầy mà mình sẽ theo học.
Thời gian ngoài giờ làm việc cũng là thứ mà bạn có quyền quyết định lựa chọn cho mục đích gì. Hãy cân nhắc để sử dụng thời gian này một cách hiệu quả, bởi vì nó chính là lúc tốt nhất để bạn “mài kiếm”, để nâng cấp năng lực bản thân và chuẩn bị cho thời vận sắp tới.
Tại sao tôi lại đề nghị bạn tập trung vào việc quản lý nghiệp? Bởi vì có một nghề tốt chưa chắc đã có được sự nghiệp tốt. Nhưng có nghiệp tốt sẽ giúp bạn hành nghề thuận lợi, cũng như có được một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Đó là lý do bạn sẽ thấy vì sao có nhiều người cùng làm một nghề, nhưng có người đạt đến đỉnh cao, có người rời bỏ nghề sau vài năm theo đuổi. Trong hầu hết trường hợp, đó không phải vấn đề của nghề, vì với tôi nghề nào trong xã hội cũng có giá trị, có tiềm năng.
Nó giống như trong doanh nghiệp phần lớn là nhân viên, phần nhỏ là quản lý và số ít là lãnh đạo. Người có nghề tốt có thể trở thành nhân viên tốt, thậm chí quản lý tốt. Nhưng người có nghiệp tốt mới trở thành đạo tốt, để trở thành hoa tiêu cho doanh nghiệp, tấm gương cho đội ngũ và hình mẫu cho thế hệ đi sau.
Bạn thân mến, mục tiêu cuộc đời của bạn là gì? Nếu đơn thuần chỉ là để kiếm tiền và tồn tại, bạn chỉ cần dừng lại ở việc phát triển nghề. Nhưng nếu bạn có mục tiêu lớn hơn, ý nghĩa hơn, hãy tập trung phát triển nghiệp của bạn. Hãy nắm quyền chủ động trong việc đưa ra những quyết định sự nghiệp, thay vì chỉ chờ đợi và đối phó với bất cứ thứ gì xảy đến với mình. Thậm chí, khi cuộc đời chia cho bạn những quân bài xấu, hãy trở thành người chơi giỏi.
Cho sự thành công của bạn,
Nguyễn Long Hải.