Home / Blog / My Sharing About Life / Sống tối giản để có phong cách sống tối ưu

Sống tối giản để có phong cách sống tối ưu

Những ngày đầu ra đời lập nghiệp, tôi nhận mức lương kỹ sư khoảng 7tr/tháng và bắt đầu học cách gói ghém tài chính để vừa trang trải chi phí cuộc sống, vừa đóng học phí cao học, vừa để dành phòng thân và vừa khởi nghiệp. Hơn 10 năm sau, khi mà thu nhập hàng tháng gấp hơn chục lần thời mới đi làm, tôi vẫn duy trì cách sống như những ngày đầu lập nghiệp, cũng gói gọn mọi thứ chi tiêu trong mức sống tầm 7tr/tháng. 

Tôi định nghĩa đây là cách sống tối giản. Và một điều kỳ lạ là, khi tôi càng sống tối giản, tôi lại càng có được một phong cách sống tối ưu. Bạn thân mến, nếu bạn cũng là một người mưu cầu hạnh phúc, hoặc muốn có một cuộc sống tốt hơn những gì đang có hiện tại, những chia sẻ bên dưới của tôi chính là dành cho bạn.

Đầu tiên, tôi muốn bạn phân biệt được rằng “tối giản” khác với “tối thiểu”. Với tôi, “tối giản” là đơn giản hoá cuộc sống để có sự tập trung tối đa cho một vài mục tiêu quan trọng trong đời. Tôi có thể rất đắn đo mỗi khi chi tiêu cho những sở thích cá nhân, nhưng sẽ sẵn sàng dốc cạn túi để đầu tư vào việc phát triển sự nghiệp. Ở khía cạnh khác, “tối thiểu” là cách một người tìm cách cắt xén những chi tiêu hàng ngày để sống ở mức độ đủ tồn tại qua ngày, bởi vì khả năng tài chính của họ không đủ để có được cuộc sống tốt hơn. 

Có nhiều bạn bè của tôi đang sống tối thiểu, nhưng lại lầm tưởng đó là cách sống tối giản. Bởi vì nếu nhìn qua, bạn sẽ thấy nhưng người này đều có mức chi tiêu hàng tháng giống nhau. Nhưng với người sống tối thiểu, đó là phong cách sống họ bắt buộc phải sống, và trong nhiều trường hợp, đó là cách sống “tối đa” mà họ có thể có. Còn với người sống tối giản, đó là phong cách sống mà họ lựa chọn, và càng sống theo cách này, ngưỡng “tối đa” của họ càng được nâng cao.

Tiếp theo, bạn cần phải biết rằng, nếu bạn muốn có phong cách sống tối ưu, bắt buộc bạn phải sống tối giản. Sự giàu có không được đo lường bằng việc bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn còn lại gì sau khi trừ hết chi phí hàng tháng, cũng như cách bạn sử dụng phần còn lại này nhằm mục đích gì. Tôi có một số bạn bè làm quản lý trong lĩnh vực IT, thu nhập của họ phải nói thuộc hàng top, tuy nhiên chi phí cuộc sống hàng tháng chiếm đến 80-90% thu nhập, họ cũng có một số khoản trả góp phải thanh toán hàng tháng như mua nhà, mua xe, đầu tư BĐS, học phí cho con cái học trường quốc tế. Điều này khiến các bạn hàng ngày sống với một áp lực vô hình, bởi nếu có rủi ro dẫn đến không đảm bảo nguồn thu nhập thì rất dễ “toang”.
Đối với tôi, tôi gói gọn những chi tiêu trong cuộc sống luôn tối đa vào khoảng 40% thu nhập, thậm chí khi thu nhập cao lên, thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn (đến thời điểm hiện tại chỉ vào khoảng 20%). Đồng thời, 20% thu nhập tôi tái đầu tư vào sức khoẻ và nâng cao năng lực cá nhân, 40% để đầu tư vào phát triển doanh nghiệp và các tài sản tạo dòng tiền, 20% cuối cùng tôi để dự phòng cho những khoản mua sắm lớn đột xuất (khoản dự phòng này tôi không có trong 5 năm đầu tiên, mãi đến khi chi tiêu ít hơn 40% thì tôi mới bắt đầu có dự phòng). Bạn thấy đấy, nhờ vào việc sống tối giản trong nhiều năm liền, tôi có dư rất nhiều nguồn lực để tái đầu tư vào việc phát triển năng lực cá nhân & doanh nghiệp, từ đó giúp thu nhập cá nhân của tôi mỗi năm đều tăng đều đặn trung bình 30%. Nếu bạn cũng theo chiến thuật này, thu nhập năm sau = 1.3 lần năm trước, thì sau 10 năm, bạn sẽ gia tăng 1.3 mũ 9, là bằng 10.6 lần. Đây là con đường mà tôi đã thực hiện.

Cuối cùng, công thức để có cuộc sống tối ưu = sống tối giản + làm việc tối đa. Bạn của tôi, cuộc đời luôn vận hành theo nhân quả, bạn không thể chỉ nỗ lực tối thiểu mà có thể sống một cuộc đời tối ưu. Cách duy nhất chính là nỗ lực tối đa để có được những thành tựu tương xứng. Cuộc đời mỗi người luôn có 2 mùa, 1 mùa để gieo và 1 mùa để gặt, bạn càng làm việc hăng say và kéo dài mùa gieo càng lâu, thì bạn sẽ nhận được nhiều hơn ở mùa gặt.
Rất nhiều bạn ở thế hệ 8x sau này tìm kiếm “tự do tài chính” với mục tiêu là để về hưu sớm về hưu giàu, để không phải làm việc mà vẫn có được cuộc sống trong mơ. Nhưng đây chính là cái bẫy, bởi điều mà bạn kiếm tìm chính là sự lười biếng, và khi càng lười biếng thì mục tiêu càng xa vời. Trong nhiều năm qua, tôi cũng đi tìm tự do tài chính, với mục tiêu là có thể làm việc và đóng góp nhiều hơn mà không bị những vấn đề về tài chính chi phối đến cuộc sống và những kế hoạch sự nghiệp. Tôi sẵn sàng làm việc khi mọi người đang giải trí vào buổi tối, đang đi nghỉ vào dịp cuối tuần, không phải vì tôi bị bắt phải làm, mà là vì tôi có một mục tiêu chính đáng để trì hoãn hưởng thụ và theo đuổi nó đến cùng. Cách đây vài năm, khi đạt được ngưỡng tự do tài chính này, tôi thấy mình hoàn toàn xứng đáng có được nó, và hiện tại tôi càng làm việc hăng say hơn để tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa. 

Bạn của tôi, trong một vài dòng ngắn ngủi, tôi không thể chia sẻ tường tận hành trình hơn chục năm lập nghiệp của mình, cũng như cách mà tôi đưa ra các quyết định về quản lý tài chính, xây dựng sự nghiệp, kinh doanh & đầu tư. Tuy nhiên, tôi cũng rất vui có thể giải đáp hoặc giúp bạn đưa ra một vài gợi ý để giúp bạn giải quyết vấn đề mà bạn gặp phải. Bạn có thể comment phía dưới post, hoặc có thể nhắn tin cho tôi nếu vấn đề của bạn không tiện gửi công khai để tôi với bạn có thể trao đổi cụ thể hơn nhé. 

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải. 

Check Also

Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?

Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.