Home / Blog / My Sharing About Life / Trung thành với sự nghiệp hay nhảy việc để thử thách bản thân

Trung thành với sự nghiệp hay nhảy việc để thử thách bản thân

Tôi có một số đồng nghiệp gắn bó với doanh nghiệp gần 20 năm, đến khi chuyển công tác thì nhận ra mình đã dành cả tuổi thanh xuân ở nơi làm việc này, và hối tiếc về những cơ hội đã bỏ qua. Một số bạn bè của tôi thì lại theo chủ nghĩa nhảy việc, không nơi nào họ gắn bó hơn 3 năm, đến khi gần 40 vẫn cầm CV đi xin việc, họ lại ước mơ giá như chọn một bến đỗ thích hợp rồi làm việc lâu dài vẫn hơn. Tôi nhận thấy, lựa chọn nào cũng có cái giá của nó, và từng trăn trở để suy nghĩ lựa chọn nào là tốt nhất với mình.

Bạn thân mến, theo bạn thì giữa nhảy việc và giữ việc, cái nào tốt, cái nào không tốt? Đối với tôi, cả 2 đều tốt nếu xác định được ngay từ đầu mục tiêu lập nghiệp, cũng như biết đưa ra lựa chọn phù hợp cho từng thời điểm. Và ngược lại, nếu không đúng thời điểm, không có mục tiêu rõ ràng, thì cho dù giữ việc hay nhảy việc, đó cũng là lựa chọn tồi. 

Tôi có khoảng chục năm công tác trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, bản thân tôi là một người vô cùng đam mê kỹ thuật và cũng mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhưng trong ngần ấy năm, tôi cũng đã phải 2 lần chuyển việc vì những lý do nằm ngoài sự quyết định của mình, một lần doanh nghiệp thay đổi chiến lược và ngưng phát triển dự án của team tôi đang làm việc, lần sau là doanh nghiệp phá sản. Nếu hỏi tôi rằng, 5-10 năm nữa, tôi có còn làm ở doanh nghiệp hiện tại không, thật sự tôi không có gì chắc chắn để trả lời “Có” cả. Tuy nhiên, tôi không bao giờ cảm thấy tiếc nuối về những thời gian công tác đã qua, và luôn nhìn thấy một tương lai tươi sáng đang chờ mình phía trước, bởi vi tôi đã tìm được giải đáp về định hướng sự nghiệp cho mình. Dưới đây là 3 điều quan trọng về mục tiêu lập nghiệp tôi muốn chia sẻ để giúp bạn có được những lựa chọn tốt nhất cho sự nghiệp của mình.

Gia tăng năng lực, rồi thu nhập sẽ theo sau. Hầu hết lý do một người chuyển việc đều liên quan đến vấn đề thu nhập. Tuy nhiên thu nhập chính là thước đo của năng lực. Nếu năng lực của một người chưa đủ mà thu nhập quá cao, thi chắc chắn sẽ mất rất lâu để thu nhập có thể gia tăng, hoặc người đó sẽ tìm một chỗ khác với  thu nhập giảm lại để tương xứng với năng lực. Thẳng thắn mà nói, doanh nghiệp lúc nào cũng sẽ chỉ trả mức lương tương xứng với sự đóng góp của một người. Có thể lúc mới vào, vì nhu cầu nhân sự nên doanh nghiệp chấp nhận trả cao hơn thị trường để thu hút ứng viên. Nhưng rồi không sớm thì muộn, khi cơn khát nhân sự đi qua, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại để cân bằng cơ cấu tổ chức.
Hiểu được điều này, tôi không quá quan tâm đến việc doanh nghiệp trả cho mình bao nhiêu, miễn sao trả đúng và trả đủ. Điều tôi quan tâm là mình đã phát triển năng lực bản thân như thế nào và đóng góp được những gì cho tổ chức. Trung thành với tiêu chí này trong suốt chục năm nay, tôi dần trở thành một trong những người không thể thiếu, thậm chí khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tôi cũng được nằm trong danh sách tăng lương của doanh nghiệp để giữ chân người cốt lõi.

Đầu tư ở hiệp một rồi hưởng thụ ở hiệp hai. Cuộc đời có 2 mùa, mùa gieo và mùa gặt. Những gì một người làm ở mùa gieo sẽ quyết định những gì họ nhận được ở mùa gặt. Từ lúc lập nghiệp đến khi ngoài 30, tôi không để tâm đến việc tích lũy của cải, cũng không quan tâm đến việc bạn bè xung quanh mình họ đang có những gì. Bởi tôi biết đây là giai đoạn mình cần phải tập trung vào việc gieo hạt, không nên để tâm đến việc mình nhận lại những gì. Hầu hết bạn bè tôi thời điểm đó đều tập trung 100% năng lực để làm việc, và nỗ lực làm thêm giờ để có thêm thu nhập, sau đó dành dụm để sớm mua nhà, mua xe. Điều này không có gì sai. Nhưng với tôi, sẽ tốt hơn nếu tôi dùng thu nhập kiếm đươc và thời gian ngoài giờ để tái đầu tư cho sự phát triển năng lực bản thân, để rồi thu nhập gia tăng nhanh hơn, từ đó sẽ dành dụm được nhiều hơn khi mùa gặt đến.
Tôi hoàn thành chương trình cao học, các chương trình đào tạo lãnh đạo & quản lý, cũng như vận hành doanh nghiệp riêng vào thời gian buổi tối, trong khi vẫn đi làm giờ hành chính. Có một sự thật là ở trong giai đoạn 10 năm đầu tiên lập nghiệp, tôi dường như đi chậm hơn bạn bè của mình. Giống như khi bạn bè đã xây nhà lên cao, tôi vẫn còn cặm cụi đổ móng cho sâu hơn. Tuy nhiên, việc đổ móng này giúp tôi tích lũy được vô vàn trải nghiệm, để đến khi ngoài 30, tôi đã có được một sự nghiệp vững vàng. Ở thời điểm hiện tại, gia đình tôi vẫn vừa thoải mái với phong cách sống của mình, vừa dành dụm được một khoản hàng năm bằng gần gấp 10 lần con số tôi có thể dành dụm mỗi năm ở thời gian đầu lập nghiệp.

Làm cho mình luôn tốt hơn làm cho người. Trải nghiệm vừa làm việc hành chính, vừa xây dựng kinh doanh ngoài giờ giúp tôi nhận ra một sự thật. Đó là làm công thì vô cùng an toàn, chỉ có 1 rủi ro duy nhất, đó là mình không có quyền quyết định về việc có được tiếp tục công việc hay không. Trong khi đó, khi ra làm riêng lại có rất nhiều rủi ro, nhưng lại cho tôi quyền quyết định về công việc, thời gian và dĩ nhiên là cả thu nhập của mình. Tôi có nghe ông bà kể về câu chuyện mảnh đất trồng vườn, thường ông bà sẽ dành 80% phần đất để trồng rau màu, sau đó 20% đất trồng cây ăn quả. Trồng rau màu giúp ông bà có cái để sống qua mỗi mùa vụ, trong khi vẫn tiếp tục chăm bón cây ăn quả. Nhưng khi cây ăn quả đủ lớn và bắt đầu ra hoa kết trái, ông bà sẽ có thêm 1 khoản thu nữa để thay thế tiếp 10% diện tích cây rau màu bằng cây ăn quả. Sau tầm 10 năm, ông bà sẽ có cả vườn cây ăn quả ra hoa kết trái quanh năm mà gần như không cần phải tốn công chăm sóc hàng ngày. Tôi nhận thấy, việc làm công giống như đang trồng cây rau màu, trong khi xây dựng kinh doanh như thể tôi đang trồng cây ăn trái. Đó là lý do vì sao tôi quyết định vận hành song song cả 2 công việc trong thời gian đầu khởi nghiệp để vừa có một kế hoạch dự phòng, vừa hướng đến sự đảm bảo nhiều hơn nữa trong tương lai.

Một người thầy của tôi nói rằng, cuộc sống chắc chắn sẽ bắt ta trả giá, nếu để càng lâu thì cái giá phải trả càng đắt. Vậy nên nếu tôi chấp nhận trả cái giá của sự nỗ lực, kiên nhẫn, trì hoãn sự hưởng thụ ở phần đầu cuộc đời, thì tôi chắc chắn không phải trả cái giá cho sự hối tiếc và những khó khăn về tài chính, lập nghiệp ở phần sau, mà cái giá đó chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần. Vậy nên, tôi chúc cho bạn sẽ đủ mạnh mẽ để tiếp tục tập trung vào việc gia tăng năng lực, tìm thấy cơ hội để phát triển bản thân trong mỗi thử thách lập nghiệp và gầy dựng một sự nghiệp thật sự vững chắc, lâu dài.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Lựa chọn gì khi 35 tuổi đứng trước ngã 3 đường?

Cái khó ở trong cuộc đời không phải là “không tìm được cơ hội tốt”, ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.