Gần đây, trong quá trình mở rộng đội ngũ, tôi có dịp kết nối và nói chuyện với rất nhiều cựu founder.
Có một điểm khá hài hước. Đó là nếu các nhân viên hay khoe CV về các công ty mình đã từng làm, thì các cựu founder lại khoe profile về việc đã lập ra và bán được bao nhiêu doanh nghiệp. Thú vị hơn nữa, trong profile đó, không có bất kỳ doanh nghiệp nào được họ vận hành quá 5 năm.
Với một người đang có tầm nhìn vận hành doanh nghiệp “build to last” như tôi, việc hợp tác với một partner dày dặn kinh nghiệm nhưng lại mang tầm nhìn “build to sell” có vẻ không phù hợp.
Hôm nay ngẫm nghĩ lại, tôi mới thấy một sự thật. Đó là trong một nền kinh tế mở, rất nhiều doanh nghiệp được lập ra với mục tiêu để…bán. Bán ở đây, không phải là bán sản phẩm hoặc dịch vụ, mà là bán một phần hoặc bán luôn cả doanh nghiệp. Có nghĩa là doanh nghiệp nhỏ được doanh nghiệp lớn thâu tóm hoặc được mua lại phần lớn cổ phần.
Bán doanh nghiệp thực ra cũng không có gì sai, nếu như nó là một phần bắt buộc để doanh nghiệp nhỏ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nếu tầm nhìn của người founder chỉ là “build to sell”, không phải là “build to last” thì với tôi, nó thật sự “cấn”.
Thử hỏi, nếu bạn là nhân viên làm việc cho một ông chủ với tầm nhìn “build to sell”, bạn có thấy yên tâm để cống hiến không? Thậm chí nếu bạn là đối tác, khách hàng của doanh nghiệp “build to sell”, bạn có thấy yên tâm để sử dụng dịch vụ của họ không?
Ở chiều ngược lại, lịch sử đã chứng minh có rất nhiều doanh nghiệp “build to last” đã trở nên vĩ đại khi không bán mình. Sẽ ra sao nếu năm 2002, Google đồng ý bán mình cho Yahoo với giá 5 triệu USD? Và bạn biết, vì thương vụ đó không xảy ra, nên giờ đây Google là doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Sẽ ra sao nếu Apple không vượt qua được cuộc khủng hoảng nội bộ năm 1997 và chọn giải pháp đơn giản là bán mình? Điều này cũng đã không xảy ra, và nhờ đó thế giới có một doanh nghiệp tạo ra rất nhiều cuộc cách mạng công nghiệp cho thiết bị cầm tay như bây giờ.
Với cá nhân tôi, tôi được học và áp dụng tư duy “build to last” (từ một cuốn sách cùng tên của Jim Collins) ngay từ những năm đầu sự nghiệp. Nó đã giúp tôi có một tầm nhìn xa không chỉ để phát triển sự nghiệp chuyên môn, mà còn để vận hành doanh nghiệp của riêng mình.
Nếu bạn chưa biết, nền tảng để build to last gồm 4 yếu tố:
- Gầy dựng khách hàng trung thành thông qua việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thay vì chỉ chú trọng vào doanh thu và làm sao để bán được thật nhiều hàng.
- Chú trọng vào việc phát triển năng lực của nhân viên, để đội ngũ làm việc hiệu quả hơn, thay vì chú trọng vào deadline và thúc ép đội ngũ làm thêm giờ.
- Nâng tầm đội ngũ quản lý, để họ là những người lãnh đạo có khả năng đắc nhân tâm, chứ không chỉ là người giám sát và bàn giao công việc và đảm bảo tiến độ.
- Và cuối cùng, là có người founder toàn tâm, toàn ý để gắn bó với doanh nghiệp trên hành trình dài. Con tàu dù lớn đến đâu, dù đội ngũ vận hành tốt thế nào, nhưng nếu người hoa tiêu bỏ cuộc giữa chừng thì chắc chắn sẽ không về được đích.
Chính những yếu tố này đã thôi thúc tôi xây dựng nên project ECIN như là một con đường để các bạn quản lý, lãnh đạo và founder có thể kết nối được với nhau để làm việc với tầm nhìn dài hạn, để có thể “build to last” cùng với nhau. https://bizbuilderww.tech/business-partner/hainguyen/
Tôi cũng khuyến khích bạn hãy tìm những doanh nghiệp “build to last” để gửi gắm sự nghiệp của mình. Tôi tin rằng những doanh nghiệp đó chính là bến đỗ phù hợp cho bạn.
Thân,
Nguyễn Long Hải.