Home / Blog / Business Learning / Khởi nghiệp cần nhất điều gì?

Khởi nghiệp cần nhất điều gì?

Khởi nghiệp cần gì nhất? Chính là tinh thần khởi nghiệp

Với bất cứ ai có hoài bão và chí hướng, khởi sự một doanh nghiệp của riêng mình luôn là điều thiết yếu. Tuy nhiên, theo một thống kê cho thấy, chỉ có 2% doanh nghiệp là có thể tồn tại sau 10 năm khởi nghiệp. Xác suất này quá thấp, thậm chí là thấp hơn xác suất thành công của những trò đỏ đen. Vậy thì tại sao hàng ngày lại có nhiều người vẫn cố gắng tìm đường khởi nghiệp, và có phương pháp nào để giúp người khởi nghiệp gia tăng được xác suất thành công?

Quay trở lại câu chuyện của bản thân, tôi bắt đầu xây dựng doanh nghiệp của riêng mình từ năm 2011, vào lúc cũng vừa mới tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó ở Việt Nam, khởi nghiệp đang trở thành một phong trào, và nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng tìm đường khởi nghiệp. Chớp mắt 1 cái đã 10 năm trôi qua, khi nhìn lại thì thế hệ khởi nghiệp cùng tôi thời điểm đó, giờ chỉ còn mình tôi đang tiếp tục phát triển doanh nghiệp riêng. Và “phong trào khởi nghiệp” cũng lụi tàn theo đúng cái từ người ta dành cho nó: “phong trào”.

Nói như vậy không có nghĩa tôi là một người đặc biệt, bởi bản thân tôi ra đời cũng chỉ có 2 bàn tay trắng với thành tích học tập không quá xuất sắc. Tôi cũng từng là người thất bại trong nhiều kỳ thi, từng nằm trong top đội sổ của lớp, thậm chí là từng thi rớt đại học. Điều mà tôi thấy mình hơn tất cả những người khởi nghiệp còn lại cùng thế hệ, chính là tôi là người nghiêm túc theo đuổi “tinh thần khởi nghiệp” (entrepreneurship) trong suốt hành trình khởi nghiệp của mình.

Tinh thần khởi nghiệp là gì? Dựa trên trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy một người doanh nhân cần phải làm tốt 3 yếu tố này: là một đối tác tin cậy, là một lãnh đạo sáng suốt và là người cố vấn tận tụy. Vì vậy, để lèo lái “con thuyền khởi nghiệp” (entrepreneur & ship ghép lại), một người cần phát huy tốt tinh thần cộng tác (partnership), tinh thần lãnh đạo (entrepreneurship) & tinh thần cố vấn (mentorship).

  1. Tinh thần cộng tác: đây là tinh thần xuyên suốt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, bởi người doanh nhân khởi nghiệp cần rất nhiều nguồn lực từ mọi người xung quanh (người đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, khách hàng) để có thể vận hành doanh nghiệp. Cái bẫy lớn khi khởi nghiệp chính là người doanh nhân để cái tôi của mình vượt lên trên mọi người, thậm chí trên cả lợi ích của tổ chức. Tinh thần cộng tác không gì khác ngoài việc dẹp bỏ cái tôi cá nhân để có thể cống hiến một cách không vụ lợi cho sự phát triển của tổ chức.
  2. Tinh thần lãnh đạo: đây là tinh thần cần phải có khi người doanh nhân bắt đầu xây dựng đội ngũ nhân sự và chuyên môn hóa doanh nghiệp. Thông thường, phần lớn thời gian doanh nhân làm việc ở chế độ quản lý (management mode) để giúp doanh nghiệp tồn tại và hoạt động đúng quy trình. Tuy nhiên để nâng tầm doanh nghiệp, người doanh nhân cần dành nhiều thời gian hơn ở chế độ phát triển (developing mode), đây chính là lúc doanh nhân cần phát huy tinh thần lãnh đạo. Người doanh nhân có tinh thần lãnh đạo tốt là người xây dựng được tầm nhìn & kế hoạch dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp, họ đồng thời giữ vững được lập trường trước những thử thách và có khả năng truyền tải tầm nhìn của mình cho tổ chức.
  3. Tinh thần cố vấn: để mở rộng quy mô doanh nghiệp, cần thiết phải xây dựng những thế hệ lãnh đạo kế cận. Quá trình xây dựng đội ngũ kế cận đó rất cần việc phát huy tối đa tinh thần cố vấn. Đứng trên vai trò người cố vấn, họ không đơn thuần chỉ dành chất xám (định hướng), mà còn là thời gian, tiền bạc và những nguồn lực họ có trong tay để giúp đỡ, cùng làm việc, từ đó nâng tầm lãnh đạo tiềm năng trong tổ chức. Ở chiều ngược lại, bản thân người doanh nhân khởi nghiệp cũng cần phải tìm cho mình một người cố vấn phù hợp, đồng thời hết mình làm việc, cam kết tuyệt đối để trở thành người học trò giỏi nhất trong đội ngũ của người cố vấn. “Không thầy đố mày làm nên” là như vậy.

Bạn thân mến, nếu tìm kiếm lý do để thất bại để tránh, bạn sẽ thấy có hàng trăm lý do. Nhưng đôi khi để thành công chỉ có một vài con đường. Trong khoảng 10 năm qua, tôi chỉ tập trung vào một con đường duy nhất, đó là hoàn thiện “tinh thần doanh nhân” của chính bản thân mình từng ngày, và đó chính là nhân tố giúp tôi tạo ra những đột phá trong sự nghiệp. Vào những năm 25 tuổi và bắt đầu khởi nghiệp, tôi chỉ có trong tay một công việc kỹ thuật với mức thu nhập vừa đủ sống ở Sài Gòn. Nguồn vốn mà tôi có, đó là khoảng thời gian buổi tối sau giờ làm và một phần thu nhập ít ỏi dư ra sau khi trừ chi phí cuộc sống. Thay vì chọn cách để dành phần thu nhập đó hoặc tìm thêm việc làm để gia tăng thu nhập như nhiều bạn bè cùng thế hệ, tôi đã chọn cách đầu tư thu nhập này, cùng với thời gian ngoài giờ để học hỏi, nâng cao năng lực, sau đó chuyển qua đầu tư dần vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh doanh & xây dựng đội ngũ nhân sự.

Quá trình tích lũy đó cần đến gần 7 năm để tôi có thể chuyển mình trở thành một doanh nhân chuyên nghiệp và hoàn thiện được đội ngũ cốt lõi đầu tiên cùng mình vận hành doanh nghiệp. Nhưng rồi 3 năm sau đó mọi thứ phát triển nhanh như vũ bão, doanh nghiệp của tôi thậm chí vẫn tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong năm Covid. Điều này giúp tôi hiểu rằng chiến thuật của mình đã hoạt động tốt. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, tôi đã không ít lần nghi ngờ vào chính bản thân, vào định hướng & người cố vấn. Điều duy nhất giúp tôi vượt qua những thời điểm này, nếu có là sự kiên định với chính tầm nhìn của mình. Thực ra điều này tôi cũng đã trải nghiệm một vài lần trong đời. Nó giống như thời điểm bước vào giảng đường đại học, mặc dù không biết mình sẽ được dạy cái gì, không có gì chắc chắn sau khi tốt nghiệp tôi sẽ có việc làm tốt, nhưng việc của tôi có thể làm là phải nỗ lực hết sức, để nếu như mọi việc không xảy ra như mong muốn thì tôi không phải sống trong tiếc nuối vì sự lười biếng của bản thân. Nhưng nhiều lần trong cuộc đời, tôi thấy rằng mỗi khi bản thân mình nỗ lực hết sức thì lúc đó kỳ tích sẽ xảy ra. “Hãy nỗ lực hết sức mình, mọi việc còn lại ông trời sẽ lo”

Bạn thân mến, nếu bạn đang ấp ủ trong đầu mình một khát khao khởi nghiệp, đừng quá bận tâm về những gì mình đang có. Hãy suy nghĩ về những gì mình cần và lên kế hoạch hoàn thiện nó, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp. Thậm chí nguồn vốn mà bạn đầu tư vào doanh nghiệp của mình, không nhất thiết phải là tiền, bởi vì có rất nhiều thứ tiền không thể giải quyết được. Giống như ở thời điểm hiện tại, có nhiều bạn bè khi thành lập doanh nghiệp đã đề nghị tôi cộng tác, không cần góp vốn, chỉ cần góp thời gian & chất xám, sau đó chia cổ phần. Đừng để những gì bạn đang có ở hiện tại giới hạn những gì bạn gặt hái được ở tương lai, bạn có thể bắt đầu nhỏ nhưng gầy dựng nên sự nghiệp lớn nếu bạn áp dụng một cách đúng đắn tinh thần doanh nhân trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp.

Tôi chúc cho bạn tiếp tục mạnh mẽ và kiên định hơn nữa trên chặng đường bạn đã chọn.

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải.

 

Check Also

BỀN VỮNG HAY THẦN TỐC?

Trong suốt nhiều năm nay, tôi luôn lấy “phát triển bền vững” là trọng tâm ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.