Home / Blog / My Sharing About Life / Muốn làm ít hưởng nhiều, hãy sẵn sàng làm nhiều hưởng ít

Muốn làm ít hưởng nhiều, hãy sẵn sàng làm nhiều hưởng ít

Vừa qua làm quyết toán thuế cá nhân cho năm ngoái, tôi giật mình khi thấy số tiền đóng thuế bằng cả thu nhập của tôi cách đây 10 năm, thời điểm mới đi làm. Tôi không ngạc nhiên vì sao mình phải đóng thuế nhiều như vậy, bởi vì đơn giản là thu nhập năm rồi của mình cũng khá tốt. Điều mà khiến tôi ngạc nhiên, chính là năm rồi tôi làm việc không quá nhiều, không có những ngày dậy lúc 5h sáng và thức đêm đến 1-2h sáng để làm việc như thời điểm 10 năm trước, vậy mà mình lại nhận được những thành tựu lớn gấp 5-7 lần. Tôi cũng tự đặt cho bản thân câu hỏi rằng, tôi có phải đang “làm ít hưởng nhiều ko?”

Hầu hết mọi người khi nghe từ “làm ít hưởng nhiều” đều nghĩ theo chiều hướng không mấy tích cực, hoặc là để ám chỉ những người lười biếng hoặc để chế giễu những điều không thực tế. Tuy nhiên, “làm ít hưởng nhiều” lại chính là một động lực vô cùng chính đáng, từ đó thúc đẩy cả xã hội đi lên. Nếu để ý, bạn sẽ thấy hầu hết những phát minh trong xã hội như công cụ, máy móc,… đều nhằm mục đích giúp con người có thể làm ít hơn nhưng đạt được kết quả cao hơn.

Bản thân tôi cũng là một người luôn muốn “làm ít hưởng nhiều”, và trong suốt hơn chục năm lập nghiệp, tôi cũng đều hướng đến mục tiêu đó. Tuy nhiên, cuộc sống vốn hoạt động theo nhân quả, “làm ít hưởng nhiều” chỉ là cái quả của cái nhân mà tôi đã gieo trong quá khứ, và cái nhân đó không gì khác hơn là việc chấp nhận “làm nhiều hưởng ít”.

Một câu chuyện nhỏ tôi hay lấy làm ví dụ, đó là câu chuyện nhát búa trị giá 10.000$. Nếu bạn chưa từng nghe đến câu chuyện này, bạn có thể tham khảo dưới đây:

Động cơ của một con tàu lớn bị hỏng. Những người chủ tàu đã tìm hết chuyên gia này đến chuyên gia khác nhưng không ai biết cách sửa. Rồi họ đưa tới một ông già, người biết sửa chữa tàu thuyền từ khi còn là một đứa bé. Ông ta mang theo một túi đồ nghề và khi đến, ông lập tức bắt tay vào làm việc. Ông xem xét kỹ chiếc thuyền từ đầu đến cuối.

Hai người chủ tàu đứng đó, quan sát người đàn ông, hy vọng ông ta biết phải làm gì. Sau khi kiểm tra mọi thứ, ông ta lấy túi đồ nghề và rút ra một cái búa nhỏ. Ông cẩn thận gõ nhẹ vào một cái gì đó. Ngay lập tức, động cơ hoạt động trở lại. Ông cất búa đi. Động cơ đã được sửa xong!

Một tuần sau, những người chủ tàu nhận được hóa đơn thanh toán giá 10.000 đô-la! “Cái gì?”, chủ tàu thốt lên, “Ông ta hầu như chẳng phải làm gì cả!”. Họ gửi cho ông một tin nhắn, “Làm ơn cho chúng tôi xem hóa đơn chi tiết.” Và, họ nhận lại hóa đơn ghi: Đập búa: 2 đô-la. Tìm ra nơi cần đập: 9.998 đô-la

Bạn thân mến, để có thể sở hữu “nhát búa trị giá 10.000$”, một người chắc chắn cần phải trải qua nhiều năm làm việc, tu nghiệp để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Và khởi đầu của hành trình để trở thành chuyên gia, chắc chắn cần một người phải trải qua giai đoạn “làm rất nhiều mà không nhận được bao nhiêu”. Một người thầy của tôi từng nói “nếu muốn sở hữu bất cứ thứ gì đó, bạn phải chấp nhận trả cái giá của nó”. Vấn đề là rất nhiều người mong muốn những điều tuyệt vời đến với cuộc sống, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trả đủ cái giá để có được nó.

Với cá nhân, tôi sống có nhiều lý tưởng lớn, tuy nhiên tôi cũng là một người sống rất thực tế. Tôi không ngồi một chỗ suốt ngày mơ màng về những ước mơ và mục tiêu, mà sẵn sàng nhấc đít lên để thực hiện nó. Dưới đây là một vài phương pháp tôi đã áp dụng trong suốt khoảng 10 năm qua để chuyển đổi dần trạng thái “làm nhiều hưởng ít” đến trạng thái “làm ít hưởng nhiều”.

  1. Quên tiền bạc đi, rồi tiền bạc sẽ tới. Nếu bạn có dịp được đọc cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo”, bạn sẽ thấy người cha giàu dạy Robert Kiyosaky bằng cách đi làm mà không nhận lương. Thời gian đầu, tôi không hiểu lắm điều này, nhưng khi bắt đầu áp dụng và nhận được những thành quả từ chiến thuật “làm việc không lương” này, tôi mới thấu hiểu rằng: “khi tôi làm việc mà không so đo đến những gì mình nhận được, tôi thường sẽ làm nó tốt nhất, bởi khí đó thứ duy nhất mà tôi quan tâm chính là kết quả mà tôi tạo ra trong công việc”. Hiển nhiên, khi tôi hoàn thành công việc với kết quả ngoài sự trông đợi, tôi chắc chắn sẽ có những phần thưởng lớn.
    Tôi biết rằng để làm được điều này không dễ, vì hầu hết chúng ta được sống trong hệ tư duy đi làm công, luôn muốn được trả rồi mới làm. Điều này cần thời gian để thay đổi. Trong thời gian đầu luyện tập điều này, tôi nhận những project mà không yêu cầu khách hàng phải trả trước tiền. Điều này thôi thúc tôi phải hoàn thành project vượt hơn cả trông đợi của khách hàng và họ vui vẻ trả cho tôi nhiều hơn những gì trong hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại, tư duy này đã trở thành một phần trong quan điểm lập nghiệp và góp phần nâng tầm chất lượng cuộc sống của tôi. Một bằng chứng là trong năm 2020 vừa qua, tôi đạt được thu nhập tốt nhất trong những năm đi làm, đồng thời bản thân cũng được đề bạt lên những vị trí quan trọng ở tổ chức.
  2. Tái đầu tư đều đặn. Nói đến từ đầu tư, mọi người thường nghĩ đến việc dùng tiền để tạo ra tiền, nhưng thực chất hành trình lập nghiệp cũng chính là một sự đầu tư. Tôi thấu hiểu được rằng, năng lực làm việc của tôi chính là một dạng tài sản mà tôi đang dùng nó để đầu tư vào chặng đường lập nghiệp của mình. Năng lực làm việc càng tốt, thu nhập nhận được càng cao, chắc chắn là vậy. Do đó, tôi rất nghiêm túc với việc tái đầu tư cho chính việc phát triển năng lực cá nhân.
    Thông thường, một người sau khi “thâu tóm” đủ các loại bằng cấp cần thiết cho công việc thì sẽ ngưng việc tiếp tục học hỏi. Đó cũng chính là lý do vì sao một người bị mắc kẹt ở một mức thu nhập trong nhiều năm trời. Đối với tôi, hàng tháng tôi đều dành một phần thu nhập để tạo điều kiện cho bản thân tiếp cận những nguồn kiến thức mới (sách vở, tài liệu, khóa học), hàng ngày tôi dành thêm một vài giờ buổi tối để trau dồi những bộ kỹ năng còn thiếu. Tôi bắt đầu làm điều này từ những năm đầu của thập kỷ trước và vẫn chưa có ý định dừng lại. Cuộc sống vận hành ở 2 chế độ “operating mode” (vận hành) & “developing mode” (phát triển). Thông thường ta sẽ dùng thời gian ban ngày để thực hiện operating mode, điều này giúp tôi và bạn duy trì được cuộc sống. Tuy nhiên, cần thiết phải có thêm thời gian để làm việc ở “developing mode”, từ đó ta mới có thể nâng tầm chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Thời gian tốt nhất để tôi thực hiện developing mode đó chính là sau 8h tối, khi mà tôi hoàn thành hầu hết những trách nhiệm với gia đình và doanh nghiệp.
  3. Chia sẻ lại tất cả ngón nghề. Để thăng tiến, có 2 lựa chọn. Hoặc là biến mình trở thành người giỏi nhất và không ai có thể thay thế mình. Hoặc là tạo ra một đội ngũ gồm nhiều người giỏi có thể làm giống mình, thậm chí là tốt hơn mình. Tôi lựa chọn cách thứ 2, bởi vì tôi có những mục tiêu lớn trong sự nghiệp và tôi hiểu rằng cách duy nhất để thực hiện những điều vĩ đại là phải có nhiều người cùng làm với mình.
    Cách đây vài năm, tôi thiết lập chiến dịch #3trieunguoiVietthanhdat (3 triệu người Việt thành đạt) và xem đó là mục tiêu mà tôi theo đuổi trọn đời. Bạn có thể cười hoặc không khi nghe về mục tiêu này, nhưng thông qua việc thiết lập một mục tiêu lớn và có ý nghĩa, điều này thôi thúc tôi liên tục làm việc, liên tục cải tiến, liên tục kết nối, liên tục chia sẻ. Chính nhờ thực hiện điều này một cách đều đặn với chiến lược đúng đắn, tôi đã dần hoàn thiện được một đội ngũ làm việc cốt lõi và giúp tôi thực hiện những điều mà tôi thường phải trực tiếp làm trong thời gian trước. Từ đó, tôi có thể tiếp tục phát triển những kỹ năng mới, nâng tầm bản thân và chia sẻ lại cho những anh em đi sau.

 Bạn thân mến, cuộc sống luôn vận hành theo nhân quả, những gì bạn gieo hôm nay sẽ quyết định những gì bạn nhận ngày sau. Đối với tôi, để có một vụ mùa bội thu, để cây ăn quả có thể ra hoa kết trái suốt tháng, quanh năm, việc của tôi chính là tập trung gieo hạt và chăm sóc thật tốt những hạt giống đã nảy mầm. Một câu nói trong kinh thánh mà tôi lấy làm quan điểm sống của mình, đó là “Do Your Best and Let God Do the Rest!” – Làm hết sức mình và để trời lo phần còn lại. Do đó, nếu bạn chưa hài lòng với những gì mình đang có, đừng quá khó chịu vì điều đó, hãy tập trung làm tốt những gì bạn đang làm ở hiện tại một cách cần cù, say mê và có chiến lược rõ ràng, rồi tương lai sẽ xảy ra như những gì bạn mong đợi.

Tôi chúc cho bạn đủ mạnh mẽ và bản lĩnh để chinh phục chặng đường lập nghiệp sắp tới.

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Bẻ ngọn hay xây gốc?

Làm thế nào để thành công là chủ đề mà mọi thế hệ lập nghiệp ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.