Home / Blog / Personal Development / Làm gì để lên level mới?

Làm gì để lên level mới?

Điều gì đang cản trở bạn để đạt đến những thành tựu cao hơn? Đó chính là những gì bạn đang biết ở hiện tại.

Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng đúng vậy, những điều bạn đang biết là con dao có 2 lưỡi. Nó vừa giúp nâng tầm bạn đến với đỉnh cao ở hiện tại, nhưng cũng đồng thời sẽ cản trở bạn vươn lên đỉnh cao mới.

Nó giống như việc từ nhỏ đến lớn bạn chỉ dùng hệ điều hành Windows, bạn sẽ chẳng thể biết được những hệ điều hành khác như MacOS, hoặc thậm chí Linux OS có những ưu điểm gì để hỗ trợ công việc của bạn trở nên tốt hơn.

Bạn sẽ luôn nghĩ rằng Windows là tốt nhất, mà lý do để bạn đưa ra quan điểm đó, là tại vì bạn chưa bao giờ trải nghiệm những hệ điều hành khác như thế nào.

Ở trên là một ví dụ cơ bản cho cách cuộc sống của bạn đang vận hành. Thế giới quan hiện tại của mỗi chúng ta được xây dựng dựa trên những gì tôi và bạn đã biết. Nó giống như diện tích bầu trời được tính bằng công thức  πr2, với r là bán kính của cái giếng mà con ếch đang sống.

Mỗi người sẽ sống trong một cái giếng to nhỏ khác nhau, nhưng xét cho cùng nó vẫn chỉ là cái giếng so với bầu trời bao la.

Cá nhân tôi là một người quản lý cấp trung, đồng thời cũng trực tiếp điều hành doanh nghiệp riêng, nên tôi có dịp làm việc trực tiếp với nhiều thế hệ lập nghiệp, từ u30 cho đến u60. Tôi nhận thấy một sự thật khá buồn cười.

Đó là hầu hết các bạn u40 thường luôn biết rất nhiều thứ đang diễn ra trên thế giới và sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai hỏi họ, thậm chí là lời khuyên ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng các thế hệ từ 40 trở lên lại cứ như một tờ giấy trắng, họ luôn lắng nghe và đặt thật nhiều câu hỏi trong cuộc họp.

Điều buồn cười là những “tờ giấy trắng” lại đang giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, trong khi “bách khoa toàn thư” lại vẫn đang chật vật với những vấn đề sự nghiệp, tài chính và cả cuộc sống.

Vậy nên, bài học mà tôi rút ra ở đây, đó là không cần phải chứng minh mình biết tất cả mọi thứ trong bầu trời với diện tích πr2 đó, mà là cần tiếp tục học hỏi để mở rộng bán kính r, để bầu trời của mình nó to hơn, sáng hơn.

Làm điều đó bằng cách nào? Đó là đặt mục tiêu để lên đến level thông thái (wisdom) trong hiểu biết của mình, thay vì chỉ dừng ở cấp độ thông tin (information). Hành trình này bao gồm 4 giai đoạn:

  • Tiếp nhận thông tin (information): bạn được học kiến thức mới
  • Kinh nghiệm (experience): bạn áp dụng kiến thức mới vào thực tiễn công việc và tạo ra kết quả (có thể đúng hoặc sai)
  • Trải nghiệm (deep understanding): bạn đúc kết kinh nghiệm thành một công thức để tạo ra kết quả đúng một cách hiệu quả.
  • Thông thái (wisdom): bạn truyền tải lại trải nghiệm của mình cho thế hệ sau và họ có thể áp dụng một cách hiệu quả.

Đối với tôi, chỉ khi nào đạt đến cấp độ wisdom ở một lĩnh vực nào, tôi mới dám nhận mình là chuyên gia và cho người khác lời khuyên ở lĩnh vực đó. Đồng thời, tôi cũng chỉ chấp nhận lắng nghe và làm theo lời khuyên của một người mà họ cũng đạt đến cấp độ wisdom ở lĩnh vực tôi đang cần học. Đây chính là cách mà tôi mở rộng vùng trời của mình.

Bạn thân mến, bạn vẫn đang mở rộng vùng trời của bạn và đang trên hành trình trở thành chuyên gia trong những lĩnh vực mà bạn đang biết chứ? Tôi tin rằng nếu bạn đang làm điều này, bạn sẽ thấy được rất nhiều tiềm năng của bản thân. Nếu không, bạn có thể sẽ bị mắc kẹt ở chính con người của bạn trong nhiều năm liền, cho đến khi bạn chấp nhận thực hiện sự thay đổi.

Tôi cũng đã từng như vậy, đã từng định vị bản thân là một người kỹ sư thuần túy và chỉ giới hạn mình ở đó trong nhiều năm liền. Cho đến khi tôi quyết định học nhiều hơn, làm nhiều hơn, tôi dần dà hoàn thiện để trở thành một nhà quản lý, nhà lãnh đạo chuyên nghiệp.

Trong những năm gần đây, tôi mở rộng project ECIN như một mục tiêu để giúp cộng đồng người đi làm có thêm cơ hội học nhiều hơn từ các chuyên gia, làm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để thăng tiến nhanh hơn.

Tôi chúc cho bạn tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa trên hành trình lập nghiệp phía trước.

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Để nghề chọn người, nhưng hãy để người chọn nghiệp

Hiếm có người nào chọn đúng nghề để làm. Tại sao lại như vậy? Thử hỏi… ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.