Home / Blog / My Sharing About Life / 8h/ngày không bao giờ đảm bảo cho sự thăng tiến

8h/ngày không bao giờ đảm bảo cho sự thăng tiến

Trong thế giới đi làm, có một chủ nghĩa gọi là “làm ít hưởng nhiều”, ý chỉ những người cũng đi làm 8h/ngày giống mình thậm chí ít hơn, nhưng thu nhập lại cao hơn gấp bội. Tôi nghĩ đây không phải tư duy sai, bởi nó ngầm chỉ việc tối ưu hóa hiệu suất công việc, để một người vừa có kinh tế tốt, vừa có thêm thời gian dành cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, định nghĩa này lại không nói lên đúng cái cách mà một người phải làm để đạt được. Qua quá trình quan sát các bạn vào đời lập nghiệp, tôi thấy rằng: những bạn làm việc ít hơn 8h/ngày thì sẽ có nguy cơ bị sa thải, người làm việc đủ 8h/ngày chỉ đủ giữ công việc, chỉ có số ít các bạn làm việc nhiều hơn 8h/ngày là có cơ hội được thăng tiến. Tôi nhận thấy rằng nguyên lý đúng đắn để lập nghiệp, đó là “làm tối đa và hưởng tối đa”. Chỉ đến khi một người đạt được đến ngưỡng làm tối đa và hưởng tối đa đó, họ mới trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, từ đó biết cách tối ưu hóa công việc để có thể “làm ít hưởng nhiều”.

Có phần đông các bạn đi làm luôn lấy 40h/tuần hay 8h/ngày làm tiêu chuẩn làm việc của mình, điều này dựa trên một nghiên cứu khoa học rằng một người trung bình chỉ cần/chỉ nên làm việc 8h/ngày, thời gian còn lại họ cần phải nghỉ ngơi để hồi phục. Ở đây tôi muốn bạn lưu ý đến từ “trung bình”, có nghĩa là nếu một người chỉ muốn có nguồn thu nhập trung bình, cuộc sống trung bình thì có thể chỉ làm 8h/ngày. Tuy nhiên, bạn của tôi, nếu bạn muốn có một cuộc đời ngoại hạng, bạn chắc chắn không muốn theo chủ nghĩa trung bình này, đúng không nào?

Trải qua nhiều năm lập nghiệp, cả trong công tác chuyên môn và xây dựng doanh nghiệp riêng, tôi nhận thấy rằng một doanh nghiệp trả lương cho nhân viên mục tiêu chính là để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, và thường đó phải là vấn đề mà một người nhân viên chuyên môn để chắc chắn 100% giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ muốn thăng chức cho nhân viên dựa trên nếu như họ đạt đến một level mới trong khả năng giải quyết công việc, hoặc có thêm những kỹ năng mới phục vụ công việc. Câu hỏi đặt ra là, nếu một người suốt 8h/ngày chỉ làm những công việc mà họ đã biết rồi, đã làm rồi, thậm chí làm một cách hoàn hảo, vậy đâu là thời gian để họ phát triển năng lực bản thân? Nếu không phát triển được năng lực, đâu là cơ hội cho họ thăng tiến? Doanh nghiệp cũng không muốn một người cắt xén tời gian 8h làm việc để tham dự training này nọ. Thậm chí xét trên góc độ hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp có thể thuê một người mới có khả năng giải quyết vấn đề mới, còn hơn là bỏ phí đào tạo một người hiện tại. Bởi đào tạo người hiện tại chưa kể vấn đề tiền bạc, mà nó cũng cần thời gian, thậm chí có những rủi ro như nhân viên không đủ năng lực, hoặc đào tạo xong rồi nghỉ, trong khi đó vấn đề mới cần phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, một người nếu muốn thăng tiến, cần phải làm việc nhiều hơn 8h/ngày, và họ cần phải chủ động trong kế hoạch phát triển năng lực của bản thân mình. Chính bản thân tôi cũng đã áp dụng chiến thuật này ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, để đến khi vừa qua ngưỡng 30 tuổi, tôi có được một sự nghiệp vững vàng mà nếu chỉ làm 8h/ngày, có thể phải đến năm 50 tuổi tôi mới đạt được. Dưới đây là 3 chiến lược tôi đã áp dụng để sử dụng 1-2h buổi tối của mình để nâng cao năng lực bản thân. Tôi cũng tin tưởng rằng nếu bạn áp dụng chiến thuật này đủ đều đặn, đủ kiên trì, sự nghiệp của bạn sẽ bứt phá trong vòng từ 3-5 năm tới.

  • Củng cố năng lực chuyên môn: đây chắc chắn là tiêu chuẩn đầu tiên để giúp nâng cao khả năng giải quyết những vấn đề hiện tại. Trong 3 năm đầu lập nghiệp, ngoài việc công tác về kỹ thuật giờ hành chính, tôi đồng thời cũng học lên cao h ọc cùng chuyên ngành, và tiếp tục nhận những dự án ngoài giờ liên quan đến công việc chuyên môn. Chính những kinh nghiệm có được trong thời gian này giúp tôi tiếp tục đào sâu năng lực, đồng thời mở rộng hiểu biết ở những lĩnh vực liên quan, từ đó giúp tôi nắm bắt và giải quyết những vấn đề mới một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
  • Củng cố những kỹ năng liên quan đến quản lý & lãnh đạo: đây chính là sự chuẩn bị, cũng như là thứ quyết định cho sự thăng tiến sau này. Chẳng ai được đề bạt lên làm quản lý, lãnh đạo nếu như họ không có sẵn những kỹ năng này. Trong suốt gần 10 năm nay, mỗi ngày tôi đều dành ít nhất 30p để trau dồi những kỹ năng mà người quản lý, lãnh đạo cần phải có. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa tôi và những đồng nghiệp cùng thế hệ, để khi cơ hội đến, tôi là người được chọn cho cơ hội đó, và cũng là người biết nắm bắt trọn vẹn cơ hội.
  • Tham gia những tổ chức tình nguyện/ phi lợi nhuận. Tôi hay tham gia những công tác đoàn/đội từ thời học sinh, sinh viên, sau này đi làm tôi cũng tham gia vào các hoạt động của công đoàn và các hội nhóm phát triển kỹ năng ngoài giờ. Việc trở thành một thành viên trong các tổ chức tình nguyện này giúp tôi có cơ hội kết giao với những anh em bạn bè ở nhiều ngành nghề khác nhau, qua đó mở rộng vốn sống & các mối quan hệ. Hơn hết nữa, khi làm việc cùng nhóm, đặc biệt khi giữ vai trò trưởng nhóm, giúp tôi rèn luyện được tính chủ động trong công việc, tinh thần đồng đội, đặc biệt là kỹ năng gắn kết những thành viên trong nhóm. Nếu như bạn có khả năng lãnh đạo một tổ chức tình nguyện, nơi mà mọi người không có bất kỳ ràng buộc nào về quyền ở lại hoặc ra đi, chắc chắn bạn sẽ lãnh đạo tốt ở bất kỳ một tổ chức nào.

Bạn thân mến tôi vốn là một người xuất thân rất đỗi bình thường, tôi cũng đã từng thi rớt đại học, từng nợ môn, từng làm việc tạo ra bug, nhưng tôi tin tưởng nếu một người có đủ sự nỗ lực, có một định hướng đúng và những người cố vấn tận tâm, chắc chắn họ sẽ thay đổi được sự nghiệp của mình như chính tôi đã từng. Một vài dòng ngắn ngủi không đủ để chia sẻ về những điều tôi đã trải qua, đặc biệt là những cơ hội mà tôi có được để nâng tầm sự nghiệp của mình. Nhưng bạn của tôi, nếu bạn cũng là một người khao khát thăng tiến trong sự nghiệp, cũng đang trăn trở vì không tìm ra một lối đi đúng đắn cho mình, bạn có thể nhắn cho tôi nhé. Tôi tin những trải nghiệm và những câu chuyện của mình chắc chắn sẽ giúp được bạn.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Bẻ ngọn hay xây gốc?

Làm thế nào để thành công là chủ đề mà mọi thế hệ lập nghiệp ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.