Để đạt đến tiềm năng, bạn cần phải trưởng thành, để trưởng thành bạn cần phải có chủ đích cho việc phát triển chính bản thân bạn. Và bạn không thể thay đổi chính bản thân cho đến khi bạn thay đổi một điều gì đó bạn đang làm hàng ngày. Nếu bạn tiếp tục học hỏi và phát triển mỗi ngày, trải qua nhiều năm bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy mình đã đi xa đến chừng nào.
Sự thật là làm việc chăm chỉ không dảm bảo được cho sự thành công của bạn, và hy vọng vào một tương lai tươi sáng cũng không phải là chiến thuật đúng. Hầu hết mọi người nôn nóng trong việc thay đổi hoàn cảnh, nhưng họ lại không sẵn lòng để phát triển chính họ. Họ có những lý do chính đáng để ngăn họ đến thành công, hãy sáng suốt vì đó là cái bẫy để giữ chân bạn không bao giờ vượt ra khỏi hoàn cảnh hiện tại.
Bạn có biết 8 khoảng cách đang ngăn bạn đạt đến tiềm năng của sự phát triển không?
1. Khoảng cách về sự tự nhận thức – “Tôi cho rằng phát triển là một quá trình tự động”
Khi bạn còn nhỏ, sự trưởng thành về thể chất là một quá trình tự động, bạn không cần để tâm thì cơ thể của bạn vẫn lớn lên hàng ngày, bạn trở nên khỏe hơn để làm được nhiều việc. Khi trưởng thành, nhiều khi bạn ngộ nhận sự phát triển về nhận thức cũng là quá trình tự động như vậy. Vấn đề ở đây là chúng ta không đơn giản chỉ là một loài vật sống để tồn tại. Mỗi chúng ta là một người – một cá thể đặc biệt và cần có định hướng cho sự phát triển.
2. Khoảng cách về tri thức: “ Tôi không biết làm cách nào để phát triển”
Mỗi người thường phải trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống, nó đến một cách ngẫu nhiên và không dự đoán được. Tốt hơn hết là bạn cần phải chủ đích xây dựng kế hoạch để phát triển. Bạn quyết định bạn cần hay mong muốn những gì để phát triển, và bạn cần kỷ luật bản thân để thực hiện nó.
3. Khoảng cách về thời điểm: “Tôi nghĩ đây không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu”
Thật ra, khi bạn càng trì hoãn việc thực hiện một việc, càng có nhiều khả năng bạn sẽ không thực hiện nó. Bạn không thể có được bất cứ điều gì mình mong muốn nếu không tiến lên và thực hiện nó, ngay cả khi bạn chưa thật sự sẵn sàng.
4. Khoảng cách từ việc mắc lỗi: “Tôi sợ rằng tôi sẽ mắc nhiều lỗi lầm”
Sai lầm thực ra chỉ là biển báo để chúng ta thực hiện một việc theo cách khác. Bạn cần có tinh thần đón nhận lỗi lầm và coi nó như dấu hiệu rằng mình đang đi đúng hướng, bởi bạn sẽ trở nên nhạy bén hơn mỗi khi biết rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm.
5. Khoảng cách về sự hoàn hảo: “Tôi cần phải tìm được con đường tốt nhất trước khi bắt đầu”
Bạn không thể thấy hết toàn bộ con đường, nhưng mỗi khi bạn tiến thêm một bước, bạn sẽ thấy phần đường kế tiếp mình sẽ đi. Do đó, nếu bạn muốn tìm được cách tốt nhất, hãy tiến lên.
6. Khoảng cách về động lực: “Tôi cảm thấy không thích khi làm việc đó”
Động lực là một khái niệm mơ hồ, đó là thứ mà không ai khác mang đến cho bạn được, ngay cả với chính bản thân bạn. Hãy quên động lực đi và cứ làm việc mà bạn phải làm. Khi bạn bắt đầu làm, bạn sẽ thấy động lực xuất hiện và giúp bạn hoàn thành những phần còn lại của công việc.
7. Khoảng cách về sự so sánh: “Nhiều người khác còn giỏi hơn cả tôi nữa”
Bạn chỉ có thể học hỏi nếu những người khác đang ở phía trước bạn!!!
8. Khoảng cách về sự kỳ vọng: “Tôi nghĩ rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn như thế này”
Tôi không biết một người thành đạt nào mà nghĩ rằng thành công là việc dễ dàng và nhanh chóng. Mọi người sẽ tạo ra may mắn cho chính bản thân bằng công thức: May mắn = Chuẩn bị + Thái độ + Cơ hội + Hành động.
Bạn không thể hay đổi số phận sau 1 đêm nhưng bạn có thể thay đổi hướng đi và tạo nên số phận khác ở tương lai xa.
##Bài viết được Hải dịch và tổng hợp lại từ cuốn sách “15 invaluable Laws of Growth” của John C.Maxwell. Sách chưa có bản tiếng Việt, được dịch lại dựa trên hiểu biết và vốn từ của cá nhân Hải nên một vài chỗ có thể không chính xác như nguyên văn. Bạn có thể tải bản tóm lược tiếng Anh tại đây.