Home / Blog / My Sharing About Life / Chơi mạo hiểm hay tiếp tục sống an toàn?

Chơi mạo hiểm hay tiếp tục sống an toàn?

Gần như hầu hết chúng ta đều biết nếu chọn cuộc sống quá an toàn, không dám làm những điều mới mẻ thì sự nghiệp sẽ rất bình thường, thậm chí không thể tránh khỏi đào thải. Tuy nhiên nếu lựa chọn chơi mạo hiểm thì trong đa số trường hợp, các bạn không chỉ “không thể lấy lại những gì đã mất”, mà còn “mất luôn những gì đang có”.

Tôi nghĩ đây cũng là trăn trở của những ai ra đời lập nghiệp với thâm niên 10 năm trở lên. Bởi sống an toàn cũng dở, mà chơi mạo hiểm lại còn dở hơn. Ở độ tuổi gần tứ tuần, bạn bè của tôi có những người đi làm đủ tiền rồi nhảy ra khởi nghiệp, xong khởi nghiệp hết tiền (và cả âm tiền) thì quay lại đi làm, họ cứ luân phiên như vậy trong hơn chục năm nay mà vẫn chưa tìm ra được lối thoát.

Vậy đâu là giải pháp? Đối với tôi, cần phải “lấy an toàn làm nền tảng, lấy mạo hiểm để đi lên”. Đây là chiến lược mà tôi đã áp dụng cho bản thân trong suốt hành trình gần 2 thập kỷ lập nghiệp và đang truyền đạt lại cho các thế hệ đi sau.

Chiến lược này gồm 3 trụ cột quan trọng.

Trụ cột thứ nhất là “đừng chờ đợi, hãy chuẩn bị”. Để làm bất cứ điều gì mới mẻ, cần phải có kỹ năng phù hợp. Bạn đang làm nhân viên mà muốn lên làm sếp, cần có kỹ năng quản lý. Bạn đang làm job và muốn làm chủ, cần có thêm kỹ năng lãnh đạo. Những kỹ năng này dĩ nhiên không ai sinh ra đã có, mà nó cần học tập và rèn luyện. Vấn đề là hầu hết chúng ta đều chờ để được đề bạt lên một vị trí mới, rồi mới bắt đầu luyện kỹ năng cần thiết cho vị trí này. Như vậy là quá trễ! Vậy nên mới có câu “thời điểm tốt nhất để trồng 1 cái cây là 10 năm trước”.

Tôi quan niệm rằng, cuộc sống luôn có rất nhiều cơ hội tốt, chỉ là những ai có sự chuẩn bị từ trước thì mới có thể nhìn thấy và đón nhận cơ hội ở hiện tại mà thôi. Bài học ở đây, chính là cần định vị bản thân mình trong 5 đến 10 năm tới, mình mong muốn bản thân là ai, sẽ đảm nhận vị trí và vai trò gì. Sau đó, hãy lên kế hoạch để củng cố bộ kỹ năng cần thiết cho vai trò đó ở hiện tại.

Trụ cột thứ hai là “chân trong chân ngoài”. Đừng vội vàng nhảy cả 2 chân đến một ô đất mới, nếu bạn không biết ô đất đó cứng hay mềm. “Chân trong chân ngoài” đầu tiên là giúp tôi có thể đứng 1 chân trên nền đất cứng và dùng chân còn lại bước ra nền đất mới. Tôi không khuyến khích bạn bỏ việc hiện tại để nhảy ra làm riêng ngay từ đầu. Đa phần các bạn đưa ra quyết định kiểu này đều là do dựa trên cảm xúc hoặc ý thích, đó không phải là một quyết định dựa trên lý trí và có sự tính toán kỹ càng. Hãy duy trì guồng làm việc chân trong chân ngoài này cho đến khi bạn tạo được một nền tảng đủ cứng, sau đó bạn có thể bước ra hẳn. Hoặc bạn cũng có thể đứng trên cả 2 nền đất cứng giống như tôi trong suốt gần 10 năm nay.

Sau nữa, việc này giúp tôi quản lý thời gian, sắp xếp thứ tự ưu tiên tốt hơn. “Giờ nào việc đó” là một nguyên tắc bất di bất dịch của tôi để vận hành công việc và cuộc sống. Từ thứ 2 đến thứ 6, thời gian ban ngày tôi dành cho chân trong, thì thời gian buổi tối tôi dành cho chân ngoài. Tôi không để việc nọ xọ việc kia và cuối cùng chẳng việc nào xong cả. Chân trong chân ngoài đồng nghĩa có nhiều việc để làm. Như vậy bạn sẽ thấy mình sẽ làm việc hiệu quả hơn. Bởi lúc này, bạn sẽ biết sắp xếp việc nào quan trọng và cần thiết để làm, cũng như phân chia thời gian để thực hiện nó.

Cuối cùng là chân này lại hỗ trợ chân kia. Thông thường, ta sẽ làm việc trong một tập đoàn lớn và khởi nghiệp với quy mô nhỏ. Thường thì khi làm việc ở môi trường tập đoàn, công việc được chuyên môn hóa và bạn sẽ không có cơ hội thử sức ở những mảng miếng khác. Nhưng bạn có thể làm việc này khi mình vận hành doanh nghiệp nhỏ. Điều này giúp bạn tích lũy thêm được rất nhiều kỹ năng cần thiết cho nấc thang kế tiếp ở tập đoàn. Ở chiều ngược lại, bạn bắt đầu khởi nghiệp ở quy mô nhỏ nhưng muốn mình kết thúc lớn, để làm được điều này, bạn cần hiểu cách một hệ thống kinh doanh vận hành như thế nào. Và chính ở môi trường tập đoàn, nơi mà những người đi trước đã xây dựng được đội ngũ nhân sự lên đến quy mô hàng ngàn người ở nhiều văn phòng khác nhau, bạn sẽ học được cách người ta vận hành hệ thống như thế nào.

Trụ cột cuối cùng là “tái đầu tư”. Tôi dùng từ “tái đầu tư” chứ không phải “đầu tư” là có ý nghĩa của nó.  “Tái đầu tư” có nghĩa là nếu bạn chưa có đồng nào trong túi, bạn không cần phải mượn tiền để đầu tư. Nhưng ngay khi bạn đi làm và kiếm được 10 đồng, bạn cần sử dụng 1 đến 2 đồng để đầu tư. “Tái đầu tư” là một sự đầu tư mang tính liên tục và lâu dài, trong khi đầu tư chỉ là hành động ở một thời điểm. Với tôi, ai trong chúng ta cũng có khả năng “tái đầu tư”, trong khi đó “đầu tư” chỉ dành cho một số ít người có sẵn nền tảng tài chính.

Cái hay ở đây là khi tôi bắt đầu với việc “tái đầu tư”, tôi sẽ có cơ hội để “đầu tư” trong tương lai. Khi thu nhập còn thấp, với đồng lương hàng tháng, tôi tái đầu tư để nâng cấp năng lực cá nhân. Điều này giúp thu nhập của tôi gia tăng và có nhiều tiền hơn để tái đầu tư vào việc vận hành doanh nghiệp riêng. Khi doanh nghiệp riêng bắt đầu có lợi nhuận, tôi lại dùng lợi nhuận đó để mở rộng quy mô. Khi doanh nghiệp tạo ra dòng tiền lớn hơn, tôi lại tiếp tục tái đầu tư để nâng cấp năng lực đội ngũ. Khi đội ngũ vận hành trơn tru, tôi mới bắt đầu dùng dòng tiền dư thừa để đầu tư vào bất động sản. Bạn thấy đấy, trong phần lớn thời gian tôi đều “tái đầu tư”, nhờ đó tôi có thể tạo ra được nền tảng tài chính tốt để “đầu tư” vào những tài sản bền vững.

Bạn của tôi, hiện tại bạn đang chơi mạo hiểm hay đang sống an toàn? Nếu bạn đang lựa chọn điều nào, tôi cũng khuyến khích bạn hãy chuyển sang chế độ “lấy an toàn làm nền tảng, lấy mạo hiểm để đi lên”. Điều này có thể không khiến bạn thăng tiến hoặc trở nên giàu có nhanh chóng, nhưng nó sẽ giúp bạn có được sự nghiệp phát triển bền vững lâu dài. Chiến lược này cũng là một phần trong chương trình hợp tác ECIN mà tôi đang triển khai cho cộng đồng những năm gần đây.

Cuối cùng, tôi đề nghị bạn hãy sáng suốt để chuẩn bị tốt hơn, thực hiện chân trong chân ngoài hiệu quả hơn, và tái đầu tư một cách hợp lý hơn. Nếu bạn cần một sự giúp đỡ, hãy cho tôi biết để ta kết nối và trao đổi cụ thể hơn nhé.

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Cách tính khác về thu nhập trong hệ quy chiếu cuộc đời

Về phương diện con số: 30 gấp 1.5 lần 20, 90 gấp 3 lần 30 ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.