Tôi vốn là một kỹ sư chuyên nghiệp trước khi bước vào làm kinh doanh. Vào năm 2012, tôi bắt đầu kinh doanh riêng của mình, vào thời điểm đó, tôi đang làm project leader trong một tập đoàn của Nhật, cũng như mới hoàn thành xong Thạc sĩ kỹ thuật. Tôi nghĩ rằng với nền tảng học vấn và kinh nghiệm làm việc sẽ giúp mình tiến nhanh trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, tôi cũng nhanh chóng nhận ra rằng đó chỉ là sự ngộ nhận. Một người thầy của tôi nói rằng: “nếu như tôi cho rằng mình đã biết đủ nhiều, vậy tại sao đến hiện tại tôi vẫn chưa đạt được điều mình mong muôn”. Câu nói này thực sự khiến tôi đau đớn, để rồi tôi cũng phải chấp nhận một sự thật rằng mình không biết gì hết và bắt đầu học lại từ đầu.
Trải qua hơn 5 năm học và làm liên tục trong lĩnh vực kinh doanh của mình, tôi bắt đầu hiểu hơn về công việc mình đang làm, hiểu hơn về chính bản thân, cũng như thấm nhuần được con đường học mà một người cần phải trải qua để đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. Tôi nhận thấy hiểu biết là một điều cần thiết để một người có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhưng nếu chưa nhận thức thấu đáo về sự hiểu biết, một người có thể rơi vào cái bẫy của sự “ngộ nhận hiểu biết”- và cái bẫy này cũng chính là một nguyên nhân quan trọng cản trở sự thành đạt của một người. Thông qua trải nghiệm cá nhân cũng như học hỏi từ những tấm gương thành đạt đi trước, tôi đúc kết được nguyên tắc về “5 cấp độ của hiểu biết”, đối với tôi, công thức này chính là kim chỉ nam để giúp tôi biết được mình đang ở đâu và cần làm gì tiếp theo để bước lên một cấp độ mới.
Cấp độ 1: không biết nhưng lại cho rằng mình biết. Có một sự ngộ nhận tự nhiên, đó là khi một người giỏi ở lĩnh vực nào thì họ sẽ tự cho rằng mình giỏi ở những lĩnh vực còn lại. Thời điểm tôi mới bắt đầu kinh doanh cũng vậy, tôi từng nghĩ những kỹ năng làm việc của mình có được trong nhiều năm sẽ giúp tôi đốt cháy được giai đoạn. Nhưng thực tế, những gì tôi biết đôi khi lại đang cản trở những điều tôi chưa biết đến với mình. Điều này giống như một vận động viên bóng chuyền đứng đầu thế giới khi muốn chơi bóng đá cũng phải tập lại từ đầu, chứ không thể áp dụng những kỹ năng bóng chuyền vào bóng đá được. Hoặc một ví dụ có thật, đó là Usain Bolt- huyền thoại trên đường chạy 100m, mặc dù là nhà vô địch trong đường chạy 100m, nhưng khi chuyển qua chơi đá bóng, anh ấy chơi cũng chỉ ngang ngửa cầu thủ nghiệp dư và không được bất kỳ câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nào nhận cho thi đấu.
Để vượt qua được cấp độ 1 này, một người cần phải sẵn sàng học hỏi để tìm cho mình 1 người hướng dẫn (huấn luyện viên) trên con đường mới, đồng thời cũng tự tìm tòi thêm tài liệu, sách vở để nâng cao kiến thức.
Cấp độ 2: biết ở mức độ thông tin (information). Đây cũng là một cấp độ khiến 1 người rơi vào sự ngộ nhận của trạng thái “tôi biết rồi”. Đặc biệt là trong thời buổi thế giới phẳng, một người có khả năng tiếp cận với rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này giúp cho bất kỳ ai cũng có thể trở thành một “nhà thông thái”, chỉ cần họ biết cách sử dụng các công cụ tìm kiếm. Và đây cũng là con dao hai lưỡi, nó khiến phần lớn mọi người ngộ nhận mình là một “nhà thông thái” và cho bản thân quyền bàn luận, phán xét về bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi cũng từng là một chuyên gia google, từng đọc và tìm hiểu rất nhiều thông tin trên trời dưới đất, thậm chí nghiên cứu cả về vũ trụ học. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng những thông tin mình có được, nếu không thể áp dụng vào chính cuộc sống của mình, giúp cuộc sống bản thân trở nên tốt hơn, thì những thông tin đó cũng chỉ dừng ở mức độ biết rồi để đó, thậm chí là không có giá trị với chính tôi. Tôi cũng bớt bàn luận về những vấn đề không liên quan đến chuyên môn, hoặc nếu cần có thêm hiểu biết về lĩnh vực mình đang theo đuổi, tôi sẽ tìm những người chuyên gia trong lĩnh vực đó để học hỏi.
Để vượt qua cấp độ 2 này, một người cần biết chọn lọc xem mình cần phải học cái gì, cũng như không cần thiết phải học những gì. Song song đó, người này cũng cần áp dụng những gì đã học được vào chính công việc và thực tiễn.
Cấp độ 3: biết ở mức độ kiến thức (knowledge). Một người được coi là bắt đầu có hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn khi họ đạt đến cấp độ này. Đây là khi kiến thức được áp dụng vào thực tiễn và tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống một người. Cấp độ này cũng tương xứng với một người sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm từ 1-2 năm, lúc này họ bắt đầu áp dụng được những kiến thức trên giảng đường và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Khi này, kiến thức học được mới thật sự có giá trị với một người. Hầu hết những người đi làm đều đang ở cấp độ này, họ bắt đầu nghĩ rằng mình đã biết đủ rồi (hoặc đã quá già để có thể học thêm những thứ mới) và dừng sự hiểu biết tại đây. Vậy nên mới có câu “nhiều người đã chết ở tuổi 25 nhưng đợi đến 65 tuổi mới được chôn”.
Để vượt qua được cấp độ này, một người cần tiếp tục giữ tinh thần học hỏi để liên tục cập nhật những kiến thức mới, đồng thời biết đúc rút những bài học thông qua trải nghiệm cá nhân để làm việc hiệu quả hơn.
Cấp độ 4: hiểu biết ở mức độ trải nghiệm (experience). Một người được coi là chuyên gia trong lĩnh vực của họ khi ở cấp độ này. Chỉ có khoảng 15% số người đạt được đến cấp độ này. Đây là những người biết cách đúc kết những thành công và thất bại từ những gì họ đã học và làm thành trải nghiệm cá nhân, đồng thời có thể truyền đạt lại cho những thế hệ đi sau. Nếu để ý, bạn sẽ thấy những thành viên cốt lõi trong một tổ chức/doanh nghiệp đều là những người có cấp độ hiểu biết này, họ cũng đồng thời đóng giữ những vai trò quan trọng để giúp tổ chức đi lên. Thông thường, ở cấp độ này, một người đã bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định trong cuộc sống, đồng thời tiếng nói của họ cũng thực sự có giá trị. Đây là mục tiêu tối thiểu mà một người nên hướng tới.
Hầu hết mọi người ở mức độ này đều hài lòng với những gì họ đang có và duy trì nó, tuy nhiên có một số ít sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được đến mức độ hiểu biết cuối cùng. Để vượt qua được cấp độ này, một người cần tích lũy đủ trải nghiệm để từ đó có thể biến kiến thức của người khác thành kiến thức của chính bản thân mình.
Cấp độ 5: hiểu biết ở mức độ thông thái (wisdom). Rất hiếm người đạt được đến mức độ này trong lĩnh vực chuyên môn. Bạn có thể tìm thấy những người này trên phần “tác giả” của những cuốn sách bán chạy. Họ tích lũy đủ trải nghiệm trong cuộc sống/công việc, đồng thời biết đúc kết những gì mình học & làm được cả đời thành những nguyên tắc/công thức cơ bản cho số đông áp dụng. Cấp độ hiểu biết này thực sự vô cùng khó khăn để vươn đến, một người cần phải trải nghiệm gần như cả đời trong lĩnh vực chuyên môn của họ nhiều khi vẫn chưa đạt đến được. Dĩ nhiên, nếu đạt được đến cấp độ này, cuộc sống của một người sẽ trở nên ý nghĩa hơn, bởi họ không chỉ có thể giúp được chính bản thân, mà còn đóng góp một phần để giúp những thế hệ đi sau.
Thông qua việc thấu hiểu được 5 bậc thang của sự hiểu biết này, tôi đã nhìn nhận được đúng đắn hơn những gì mình cần phải làm, đó là luôn giữ tinh thần ham học hỏi, luôn kiên trì đều đặn làm việc, đồng thời dành thời gian để đúc kết những gì mình đã làm, đã học và chia sẻ lại cho những thế hệ đi sau. Tôi cũng không còn ngộ nhận về “sự thông thái” mà trước giờ mình từng nghĩ, để từ đó biết cách chọn lọc thông tin mà mình tiếp nhận, chọn được đúng người cần phải nghe, không quá sa đà vào việc bàn luận những vấn đề ngoài chuyên môn. Chính điều này giúp tôi giữ được sự tập trung của bản thân vào việc phát triển sự nghiệp và rút ngắn con đường lập nghiệp của mình.
Bạn thân mến, bạn có đồng ý rằng mỗi chúng ta đều đang chiến đấu cho cuộc chiến cuộc đời của mình chứ? Đặc biệt nếu như bạn đang xây dựng một doanh nghiệp riêng, cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng đến riêng gia đình bạn, mà còn ảnh hưởng đến gia đình của những người cộng sự. Tôi chúc cho bạn có đủ sự sáng suốt để biết năng lực bản thân mình hiện tại đang ở đâu, cũng như biết được những gì cần làm sắp tới thông qua những chia sẻ về 5 cấp độ hiểu biết. Hãy cùng chia sẻ với tôi những gì bạn đã và đang làm để tiếp tục nâng cao năng lực bản thân, năng lực doanh nghiệp của bạn nhé.
Cho sự thành công của bạn.
Nguyễn Long Hải.