Cách đây vài năm, người cố vấn của tôi nói rằng, “muốn phát triển sự nghiệp bền vững, con cần phải tìm được cách để cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Tuy nhiên để đạt được sự cân bằng đó, con cần phải biết cách phá vỡ sự cân bằng mà con đang có ở hiện tại”.
Nói thật là tôi đã vô cùng rối não khi nghe lời dạy đó, bởi vì tôi thật sự không hiểu như thế nào gọi là “để cân bằng thì phải phá vỡ cân bằng”. Tuy nhiên, khi càng tìm cách phá vỡ sự cân bằng ở hiện tại, tôi càng ngộ ra chân lý này.
Để giải thích, tôi muốn đưa cho bạn một ví dụ. Giả sử khi bạn bước vào đời lập nghiệp, bạn đang đứng ở tầng 1 của tòa nhà. Trong khi đó, mục tiêu sự nghiệp của bạn lại đang ở tầng 10. Vậy làm cách nào bạn đạt được mục tiêu của mình? Đơn giản, bạn cần phải đi qua các tầng, hoặc muốn nhanh hơn thì dùng thang máy, thậm chí lên trực thăng. Đây chính là lúc bạn phá vỡ sự cân bằng ở tầng hiện tại để đạt đến sự cân bằng mới ở tầng cao hơn.
Vậy thì, tôi muốn hỏi bạn một câu. “Phá vỡ sự cân bằng ở hiện tại là một lựa chọn hay là điều bắt buộc?”. Bạn có thể nói đó là một lựa chọn, bởi vì chẳng ai bắt bạn phải rời bỏ điểm cân bằng hiện tại của bạn được (ngoại trừ bạn ra). Vậy bạn lựa chọn cân bằng hay phá vỡ cân bằng?
Tôi muốn nói với bạn điều này, nếu như phá vỡ sự cân bằng không phải là lựa chọn của bạn, thì một thời điểm nào đó ở tương lai, nó sẽ trở thành điều bắt buộc. Mà bạn biết đấy, khi bị bắt buộc phải làm một điều, thì ta sẽ cảm thấy không thoải mái tí nào, và chắc chắn cũng không tạo ra được kết quả khả quan.
Tôi biết nhiều bạn bè sau khi đạt đến một nấc thang nào đó trong sự nghiệp thì lựa chọn cuộc sống cân bằng, nằm trong vùng an toàn và cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình trong phần đời còn lại. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ luôn đầy những biến động. Mùa dịch lần này là một ví dụ, nó không chỉ tạo ra khủng hoảng về sức khỏe, mà còn tạo ra khủng hoảng kinh tế ở tất cả cấp độ, từ thế giới, quốc gia, thành phố cho đến mỗi gia đình. Điều này đã khiến cho nhiều người thấy được vấn đề trong lựa chọn hiện tại và quyết định thay đổi, tuy nhiên hầu hết những sự thay đổi đều không hiệu quả, bởi “nước đến chân mới nhảy” thì đã quá muộn màng.
Tôi nhớ thời điểm này cách đây 10 năm, tôi đang làm công việc hành chính trong một tập đoàn của Nhật, lại vừa dùng thời gian ngoài giờ để xây dựng doanh nghiệp riêng, tôi cũng đồng thời trên đường hoàn thành luận văn cao học. Tôi quay cuồng với guồng làm việc gần 16h/ngày trong nhiều năm liền. Bạn bè, thậm chí người thân trong nhà nhiều lần chất vấn tôi vì cách làm việc này, thậm chí một số còn đả kích, bởi tôi vắng mặt trong hầu hết những buổi đám tiệc, liên hoan, thậm chí giỗ oải trong nhà.
Nghĩ về những ngày đó, tôi lại càng thấy biết ơn chính bản thân mình lúc trẻ. Bởi nếu không có những nỗ lực một cách điên rồ đó, chắc chắn ngày hôm nay tôi không thể ngồi đây để viết cho bạn những dòng này trong mùa dịch và nhìn công việc trong ngoài vẫn đang phát triển bất chấp khủng hoảng, cách ly.
Bạn thân mến, nếu như bạn cũng đang tìm cách để “phá vỡ sự cân bằng ở hiện tại”, tôi có 3 lời khuyên dành cho bạn để phát triển sự nghiệp trong thời gian tới:
- Hãy luôn làm việc để chuẩn bị. Luôn nhớ rằng, những gì bạn đang làm ở hiện tại không phải chỉ để kiếm sống, mà hãy làm thêm những việc cần thiết để chuẩn bị những kỹ năng, nguồn lực cần thiết cho cả sự thăng tiến và những rủi ro trong tương lai.
- Tìm cho mình một người cố vấn. May mắn lớn nhất trong cuộc đời, đó là tìm được người có thể giúp nâng tầm sự nghiệp của bạn. Bạn cũng đừng quá lo nếu hiện tại bạn chưa có ai cố vấn. Hãy đi tìm. Nên nhớ rằng “khi người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện”.
- Đối thủ lớn nhất của bạn là chính bạn. Trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn chiến đấu với chính bản thân mình hàng ngày. Tôi hiểu rằng, tất cả những thứ ngăn cản sự thăng tiến như sự lười biếng, sự tự mãn,… tất cả đều nằm ở chính tôi. Do đó, chỉ cần chiến thắng được chính bản thân mình ngày hôm nay, tôi sẽ có đủ năng lực để thay đổi thế giới.
Chốt lại, khủng hoảng sinh ra không phải để nhấn chìm một cá nhân nào đó, mà nó chính là cơ hội để một người thay đổi, nâng cấp bản thân và đạt đến sự cân bằng tốt hơn trong cuộc sống. Tôi chúc bạn đủ mạnh mẽ, đủ sức khỏe, đủ rắn rỏi, đủ kiên trì để tiếp tục con đường lập nghiệp sắp tới.
Cho sự thành công của bạn.