Home / Blog / My Sharing About Life / Rớt đại học có phải là địa ngục?

Rớt đại học có phải là địa ngục?

Đậu đại học từ trước đến nay luôn là một cái đích đáng để phấn đấu với nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và hiển nhiên, thi rớt đại học là một cái kết mà chẳng ai mong muốn. Tuy vậy, rớt đại học không phải địa ngục như nhiều người từng nghĩ, mà đôi khi thi đậu đại học mới là cánh cửa mở vào địa ngục…

Tôi có cơ hội được học tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, sau đó theo học đại học tại Đại học Bách Khoa TPHCM. Tuy nhiên, trong quá khứ tôi từng mất 2 năm thi đại học, chọn thi tổng cộng 4 nguyện vọng và rớt hết 3 trong số đó. Tôi còn nhớ năm đầu tiên khi tôi rớt hết tất cả các nguyện vọng đại học, đó là một cú shock lớn với cả gia đình. Thời điểm đó, tôi cũng tưởng mình chuẩn bị bước qua cánh cửa địa ngục. Nhưng giờ đây khi nghĩ lại, tôi thật sự cảm ơn trải nghiệm đó, và xem việc thi rớt đại học như một may mắn lớn trong cuộc đời bởi nó đã giúp tôi mở đến những cánh cửa thiên đường mai này…

Tại sao với tôi thi rớt đại học có thể là cánh cửa đến thiên đường?
Thứ nhất, tôi học được ý nghĩa thật sự của thất bại: “Mỗi thất bại đều mang bên trong nó một hạt mầm thành công tương đương”. Thường khi một người tham gia cuộc chơi, nếu họ mong muốn có thành công lớn, thì họ cũng phải dám chấp nhận việc mình sẽ thất bại lớn. Điều này giống như khi lập gia đình, nếu ta yêu mến những điểm tốt của người bạn đời thì cũng phải sẵn sàng chấp nhận những điểm chưa tốt của họ. Thường trong mỗi thất bại sẽ có một bài học, thậm chí đôi khi ta sẽ không học được nó khi thành công. Do đó, tôi tìm được những bài học lớn cho bản thân sau mỗi thất bại, để khi làm lại một lần nữa, tôi sẽ thành công lớn hơn. Điều này giúp tôi rất nhiều trong việc lập nghiệp sau này, để tôi dám làm những điều mình chưa bao giờ làm, dám thất bại và sửa sai để tiếp tục thực hiện cho đến khi có kết quả mong muốn.
Thứ hai, tôi hiểu được thế nào là “chậm một bước để tiến hai bước”. Có rất nhiều người dành cả cuộc đời để theo đuổi một cái đích để khi tới nơi mới biết là mình đã chọn sai đích. Lý do là bởi vì họ đi theo một guồng quay liên hồi mà không có một khoảng dừng lại, 12 năm đi học phổ thông, sau đó 5 năm đại học và rồi 40 năm đi làm không ngừng nghỉ. Với tôi, khoảng dừng 1 năm sau khi thi rớt đại học đã giúp tôi có thời gian chiêm nghiệm về bản thân, về định hướng sự nghiệp để sau này có những hướng đi đúng cho cuộc đời. Sau này, tôi vẫn thường tạo cho mình những khoảng dừng để tái định hướng mỗi khi cảm thấy bản thân đang làm việc không hiệu quả.

Vậy địa ngục thật sự nằm ở đâu?
Đầu tiên, đậu đại học mà không học đúng sở trường và đam mê. Đó là khởi đầu của địa ngục 😀 Thời điểm hiện tại, đậu đại học không khó, nhưng hầu hết các bạn đậu vì đủ điểm chứ không phải đậu đúng nguyện vọng của mình. Trong gần chục  năm xây dựng sự nghiệp, tôi nhận thấy rằng, rất khó để một người có thể theo đuổi một việc gì đó lâu dài hoặc làm nó một cách hiệu quả nếu họ không có sự đam mê với nó.
Sau nữa, đậu đại học mà không tốt nghiệp được đại học. Đó là đi qua địa ngục L  Thế giới có rất nhiều câu chuyện bỏ ngang đại học và trở nên thành đạt tột độ như Bill Gates, Steve Jobs… Nhưng đó là những người vô cùng khác biệt mà nhân loại có được. Nếu bạn không phải là người đặc biệt như vậy, thì con đường tốt nghiệp đại học vẫn là con đường mà một người cần phải vượt qua, bằng bất cứ giá nào.
Cuối cùng, tốt nghiệp đại học mà không theo đuổi chuyên ngành. Đó là kết thúc địa ngục cũ để đến với địa ngục mới dài và khó khăn hơn. Nếu một người không thể sử dụng những kiến thức & kỹ năng trong 5 năm đại học để lập nghiệp, vậy thì đó có gọi là một sự lãng phí thời gian & tuổi trẻ không? Tôi đồng ý rằng có thể sau khi lập nghiệp, một người khám phá ra được đam mê của mình và quyết định theo đuổi nó. Nhưng thay vì từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu, một người hoàn toàn có thể xây dựng một nền tảng mới dựa trên nền tảng sẵn có.

Tôi đã từng chấp nhận chậm học đại học 1 năm để có thể theo đúng chuyên ngành yêu thích của mình. Tôi cũng từng rớt rất nhiều môn trong quá trình học để rồi vẫn ra trường đúng thời hạn cùng bạn bè. Và thậm chí khi lập nghiệp, tôi mới khám phá được mục tiêu sự nghiệp của mình không nằm trong chuyên môn mình đã chọn, nhưng tôi vẫn duy trì công việc chuyên môn trong lúc theo đuổi và gầy dựng đam mê. Tôi nghĩ rằng: “địa ngục hay thiên đường, đó hoàn toàn nằm trong lựa chọn và nỗ lực của mỗi người”.

Bạn thân mến, còn bạn thì sao? Bạn đã từng trải qua những câu chuyện xuống địa ngục rồi lên lại thiên đường như thế nào? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé.

Cho sự thành công của bạn.

 

Check Also

Điều gì quyết định tương lai sự nghiệp?

Điều gì quyết định tương lai của một người trong từ 10 đến 20 năm ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.