Home / Blog / My Sharing About Life / Tại sao bạn làm những việc bạn đang làm?

Tại sao bạn làm những việc bạn đang làm?

Bất kỳ công việc nào cũng có khó khăn của nó. Khi gặp khó khăn, có những người sẵn sàng tìm cách đương đầu, thậm chí chấp nhận chịu rủi ro, chịu thiệt để giải quyết nó. Và dĩ nhiên, cũng có người lẩn trốn, đổ trách nhiệm hoặc đầu hàng. 

Vậy điều gì giúp một người sẵn sàng đối mặt với những thử thách? Theo tôi, đó là vì họ biết rõ lý do mà họ lại theo đuổi công việc đó. 

Bạn thân mến, tôi tin rằng sẽ không dưới một vài lần bạn tự đặt cho mình câu hỏi “tại sao mình lại làm công việc này?”, nhất là những ngày mưa giông mà bạn lại lội mưa lên văn phòng, hay những sáng thứ 2 bạn muốn ngủ lâu hơn một chút nhưng vẫn dậy đúng giờ và lao vào dòng người tấp nập. 

Câu hỏi này từng hiện hữu trong đầu tôi vào những năm đầu khởi nghiệp cho đến khi tôi hiểu được 3 lý do quan trọng, để rồi từ đó tôi không còn phải tìm lại câu trả lời cho điều này một lần nào nữa.

  1. Work to earn – đây là lý do mà tôi tin bạn và tôi đều có. Trong thời buổi mà hầu hết các vấn đề của cuộc sống đều cần tiền để giải quyết, thì chắc chắn ta phải làm việc để kiếm thu nhập. Có thực mới vực được đạo, tôi tin rằng phải giải quyết được vấn đề cơm áo gạo tiền thì một người mới dám nghĩ xa hơn, dám theo đuổi những mục tiêu to lớn hơn.
    Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cần phải sống thực dụng những cũng đừng quá thực dụng, đừng cứ làm bất kỳ việc gì cũng đòi được trả công liền. Thường những việc càng có giá trị thì càng cần đầu tư nhiều, nó đòi hỏi bạn bỏ sức trong những khoảng thời gian tính bằng đơn vị năm. Đối với tôi 50% thời gian lao động tôi dùng để tạo ra thu nhập trong tháng đó, và 50% còn lại là để làm 2 việc dưới đây.
  2. Work to learn – nếu bạn không tìm cách để “học” trong quá trình làm việc của mình, bạn sẽ bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn khi cứ phải làm những công việc lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Khi làm với mục tiêu để học, bạn sẽ tìm được cách để tối ưu hoá công việc hiện tại của mình từ đó bạn sẽ có thêm thời gian để làm thêm những việc mới.
    Đây cũng là cách mà tôi tìm được niềm vui trong công việc, và giải toả phần lớn stress đến từ việc theo đuổi deadline. Trong hơn 10 năm qua, mỗi ngày mới với tôi là “một ngày mới” thật sự, chứ không phải là “một ngày nữa”. Tôi hoặc là tìm được cách giải quyết mới cho công việc cũ, hoặc là được tiếp cận công việc mới. Và hiển nhiên, khi năng lực của tôi được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu thì nguồn thu nhập của tôi cũng trở nên tốt & bền vững hơn. 
  3. Work to prepare – cơ hội trong cuộc sống là rất nhiều, tuy nhiên nó chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị tốt. Well prepare is half done – chuẩn bị tốt là thành công một nửa, đây là câu thành ngữ mà tôi khắc cốt ghi tâm từ những ngày trên ghế nhà trường. Vậy nên chiến lược của tôi là luôn nhìn những người đi trước mình 10 năm họ đang có những kỹ năng gì và tôi bắt đầu phát triển nó ở thời điểm hiện tại. Nhờ điều này nên mỗi khi được promote lên một level mới, tôi đã có sẵn những gì cần thiết để làm tốt ở level này và nhanh chóng vươn tới level tiếp theo.
    Để làm tốt chiến lược “work to prepare”, tôi khuyến khích bạn nên sẵn sàng làm việc nhiều hơn người khác ít nhất 2h/ngày, nhất là vào buổi tối. Yeah, bạn sẽ nói rằng tôi cần “life balance”. Nhưng tin tôi đi, bạn sẽ chẳng thể nào cân bằng được một thứ luôn biến động như là cuộc sống. Vậy nên hãy chấp nhận sự mất cân bằng ở hiện tại để biến cán cân cuộc sống của bạn trở nên vững chãi mà sau này không một tác động ngoại lực nào có thể khiến nó xoay chuyển.

Tôi có cơ hội được làm việc trong những môi trường hàng đầu ở lĩnh vực chuyên môn, và vinh dự được cố vấn, theo học từ những chuyên gia đầu ngành. Điều này giúp tôi mở rộng được tầm nhìn lập nghiệp, tôi nhìn thấy những người làm việc một cách say mê không phải vì tiền mà vì theo đuổi một sứ mệnh lớn cho xã hội. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Đó là lý do vì sao tôi luôn dành thêm thời gian một vài giờ mỗi tuần để chia sẻ, đào tạo và cố vấn cho nhiều thế hệ người Việt đang lập nghiệp, trong đó có nhiều quản lý cấp trung và chủ doanh nghiệp SME. Nếu bạn cũng là một người có năng lực và muốn thực hiện những điều ý nghĩa hơn trong sự nghiệp của mình, bạn có thể nhắn cho tôi. Tôi rất vui để trao đổi thêm với bạn về những kế hoạch sắp tới và có thể “chào mừng bạn lên thuyền”.

Chúc cho bạn tiếp tục vững tin trên đường lập nghiệp.
Nguyễn Long Hải. 

Check Also

Bẻ ngọn hay xây gốc?

Làm thế nào để thành công là chủ đề mà mọi thế hệ lập nghiệp ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.