Thuở còn trẻ, tôi vốn là một người háo thắng. Tôi muốn chiến thắng trong mọi cuộc thi mà mình tham dự, từ việc học cho đến những trò chơi mà mình tham gia. Điều đó không phải là xấu, bởi nó giúp tôi có động lực lớn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, và tôi cũng đạt được kha khá những bằng cấp mà nhiều người mơ ước.
Đến khi bắt đầu lập nghiệp, tôi cũng muốn mình phải là một người thành đạt, có năng lực tài chính tốt hơn mọi người. Tôi tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi từ người cố vấn, nhưng bí quyết mà tôi nhận được lại khiến tôi hoàn toàn sốc… Đó là để đi nhanh hơn người khác trong cuộc chơi tài chính, tôi phải chấp nhận đi chậm hơn họ trong khoảng từ 5 đến 10 năm đầu tiên.
Người cố vấn nói với tôi rằng “Lập nghiệp và làm giàu không phải là một cuộc đua nước rút chỉ cần cố hết sức chạy bạt mạng để trở thành người về đích sớm nhất. Đó là một cuộc đua maraton đường dài, đòi hỏi thể lực bền bỉ, tinh thần tập trung và cả chiến thuật hợp lý để hoàn thành. Trong cuộc đua này, không phân biệt ai là người đến trước đến sau, chỉ cần về được đến đích thì người đó là người chiến thắng”. Nói thật thì thời điểm ấy tôi cũng chẳng hiểu gì mấy, nhưng như thường lệ, vì tin tưởng vào người cố vấn nên tôi quyết định làm theo…
Tôi bắt đầu áp dụng những chiến thuật “Lập nghiệp tưởng chậm mà nhanh” từ đầu năm 2012. Và quả thật như lời người cố vấn của tôi đã báo trước, 5 năm đầu tiên là giai đoạn xây dựng nền móng, mà chắc chắn tôi sẽ thấy mình chậm chân hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Trong thời gian đó, tôi thấy bạn bè thăng tiến trong công việc rồi đi nước ngoài tu nghiệp (bạn tôi lên vị trí kỹ sư chuyên nghiệp (senior engineer) trong vòng 3 năm, còn tôi phải mất 7 năm), họ cũng mua được nhà ở TP, có người còn mua cả xe riêng (đến giờ tôi vẫn ở chung nhà với bố mẹ và đi xe máy). Không phải là năng lực tôi thua kém bạn bè, bởi tôi là một trong những người giỏi nhất trong lứa kỹ sư đầu vào, và nếu đi theo con đường như họ, giờ này có thể tôi đã bỏ họ khá xa rồi. Cảm giác đó vô cùng khó chịu, bởi chẳng ai muốn nhìn thấy người khác hơn mình, thậm chí có những lúc tôi còn nghi ngờ những quyết định và lựa chọn của mình. Tuy nhiên, cũng vì tin tưởng vào lời dạy của người cố vấn, tôi vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng.
Đến thời điểm hiện tại, tức là qua giai đoạn 5 năm lần thứ 1 của chiến thuật “Lập nghiệp tưởng chậm mà nhanh”, tôi mới bắt đầu nhận thấy những quả ngọt mà sự kiên trì và kiên định trong suốt 5 năm ròng rã theo đuổi lý tưởng của mình. Tổng thu nhập của tôi bắt đầu gia tăng và bắt đầu vượt qua hầu hết bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng bắt đầu có những nguồn tài sản để dành như đất, như vàng và tiền gửi ngân hàng. Và hơn thế nữa, tôi có được một phong cách sống mà mình từng mong ước, đó là làm chủ được cả công việc hành chính và kinh doanh của mình, có những khoảng thời gian đi du lịch 1,2 tháng/lần cùng gia đình, và có cả sự kính trọng từ đồng nghiệp. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, đa số bạn bè của tôi phải nỗ lực đi làm để giữ lấy công việc, phải chấp nhận đi công tác xa nhà, và nhận mức lương đã gần đến mức trần không thể tăng lên nữa. Tôi vô cùng hào hứng chờ đón những điều tươi đẹp hơn nữa sẽ đến trong tương lai, bởi vì tôi vẫn đang tiếp tục duy trì và áp dụng chiến thuật “Lập nghiệp tưởng chậm mà nhanh”.
Nếu bạn đang muốn biết tôi đã áp dụng những gì trong suốt 5 năm vừa qua, tôi cũng rất vui chia sẻ với bạn một vài bí quyết. Tôi cũng tin chắc nếu bạn đủ sự kiên trì để áp dụng chúng trong 5 năm tới của cuộc đời, bạn có thể sẽ còn gặt hái nhiều hơn cả tôi.
- Phát triển những kỹ năng cần thiết cho tương lai thay vì chỉ phát triển năng lực chuyên môn.
Tôi biết rằng để thăng tiến trong sự nghiệp, giỏi kỹ năng chuyên môn thôi là chưa đủ. Tôi cần rèn luyện thêm những kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình, làm việc với con người, và đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo. Không thể đợi đến khi mình được đề bạt vào một vị trí quản lý/lãnh đạo rồi mới học những kỹ năng đó, mà cần phải rèn luyện ngay từ khi chưa được đề bạt. Mà thật sự, chỉ khi có kỹ năng đó thì mình mới có cơ hội được đề bạt. Bạn sẽ thấy thật lạ khi một người kỹ sư suốt ngày làm việc với máy tính lại dành thời gian nghiên cứu về cách làm việc với con người & kỹ năng lãnh đạo, bởi nó chẳng giúp gì cho công việc ở thời điểm đó. Nhưng bí mật nằm ở chỗ, ta cần phải học và sở hữu những kỹ năng này ngay cả khi chưa cần đến nó, bởi nếu làm vậy thì khi cần đến thì ta đã có sẵn rồi. - Dành thời gian ngoài giờ để xây dựng kinh doanh riêng thay vì làm thêm giờ ở công ty hoặc nghỉ ngơi giải trí.
Thu nhập từ việc làm công ăn lương đến một lúc nào đó nó sẽ đến giới hạn trần và gần như sẽ không tăng lên nữa. Cái bẫy nằm ở chỗ, khi đến giới hạn đó, ta phải gồng mình làm việc để giữ nó, để tránh khỏi quy luật đào thải, bởi sẽ có lúc một người trẻ hơn, nhiệt huyết hơn sẽ sẵn sàng thay thế ta làm công việc hiện tại với mức lương thấp hơn, và công ty sẽ chọn người đó… Do đó xây dựng thêm một kinh doanh vào ngoài giờ hành chính vừa giúp ta tiếp tục gia tăng nguồn thu nhập một cách không giới hạn (chừng nào ta còn tiếp tục phát triển thị trường, chừng đó thu nhập còn tiếp tục gia tăng), mà hơn thế nữa ta còn có quyền quyết định & chủ động với thu nhập của mình.
- Tái đầu tư thu nhập từ công việc & kinh doanh thay vì chỉ để dành tiết kiệm
Thời gian đầu đi làm, thu nhập của tôi cũng tương đối ổn do vừa làm công ty nước ngoài, vừa nhận một số dự án làm thêm bên ngoài. Hàng tháng nếu tiêu xài tiết kiệm, tôi sẽ có dư dăm bảy triệu và nếu để dành thì tầm 5 năm có thể mua nhà, mua xe ở thành phố. Tuy nhiên tôi quan niệm rằng mình không thể làm giàu bằng cách chăm chỉ làm việc và tiêu xài tiết kiệm để có thể tích lũy được nhiều. Tôi nghĩ rằng nếu mình sử dụng phần thu nhập còn dư để tái đầu tư vào việc phát triển bản thân, cũng như để mở rộng quy mô kinh doanh thì sau 5 năm, tôi sẽ có thu nhập cao hơn nhiều lần, và tích lũy cũng sẽ được nhiều hơn. Nhờ áp dụng chiến thuật “đầu tư trước, tích lũy sau”, đến thời điểm hiện tại, thu nhập của tôi đã gấp 5 lần so với khi khởi nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc tôi có thêm nguồn tài chính tốt để vừa tiếp tục tái đầu tư, vừa bắt đầu tích lũy cho những kế hoạch dài hạn sau này.
- Đào tạo và phát triển đội ngũ làm việc thay vì chỉ tìm cách biến mình trở thành người xuất sắc duy nhất.
Trong công thức: thu nhập = giá trị * thời gian * quy mô, tôi nhận thấy cái giới hạn thu nhập của mình chính là yếu tố thời gian. Bởi vì một ngày tôi chỉ có 24h, và tôi cũng chỉ có thể làm việc một cách hiệu quả khoảng 12h/ngày thôi. Do đó song song với việc tiếp tục nâng cao năng lực bản thân (giá trị), mở rộng thị trường (quy mô), tôi cũng dành thêm một phần thời gian của mình (2h/ngày) để phát triển nhóm làm việc, đồng thời hỗ trợ & đào tạo các bạn để có thể làm việc giống như mình. 2h mỗi ngày không phải là nhiều, nhưng để có thêm thời gian đào tạo nhóm, tôi phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi, giải trí, thậm chí là thời gian dành cho gia đình, tức là đánh mất thăng bằng trong cuộc sống. Nhưng sau 5 năm, tôi tạo ra được một nấc thăng bằng mới tốt hơn. Hiện tại, phân nửa thu nhập của tôi đến từ công sức lao động của bản thân, và nửa còn lại đến từ nhóm làm việc. Tôi lại có thêm thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình, thậm chí ngay cả trong những lúc tôi đang nghỉ ngơi, thì kinh doanh của tôi vẫn tự động vận hành & phát triển.
Bạn thân mến, trong vài dòng ngắn ngủi, tôi không thể nào chia sẻ hết với bạn những gì tôi đã làm, đã trải qua trong hơn 5 năm đầu lập nghiệp, đặc biệt là những chiến thuật cụ thể mà tôi đã áp dụng, cách tôi xử lý những tình huống phát sinh trong công việc, kinh doanh và cuộc sống như thế nào. Nhưng tôi tin tưởng những chia sẻ ở trên có thể phần nào giúp bạn mở rộng được tầm nhìn về tư duy “lùi một bước để tiến hai bước” và những thành quả mà nó mang lại.
Tôi khuyến khích bạn áp dụng những điều trên vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt nếu như bạn đang trong giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp. Tôi cũng rất vui được nghe những chia sẻ từ chính bạn, hoặc nếu như bạn cần một sự hỗ trợ nào đó của tôi, bạn có thể liên lạc trực tiếp với tôi để ta có thể trao đổi cụ thể hơn.
Chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Nguyễn Long Hải
.