Các nghiên cứu đã chứng minh được chế độ ăn có liên quan tới trên 35% các loại ung thư. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng…
Khi mua, chế biến và sử dụng thức ăn, đồ uống cần lưu ý:
– Có những chất hóa học như Nitrit và Nitrat được dùng để bảo quản sản phẩm thịt, giữ cho chúng được tươi, như trong giăm bông, thịt lợn muối, xúc xích, thịt tẩm, thịt hộp và lạp xường. Không nên ăn quá nhiều sản phẩm thịt đã được chế biến đó. Nitrit và Nitrat có thể tạo ra trong ống tiêu hóa của chúng ta các chất gây ung thư. Các chất gây ung thư cũng có thể tìm thấy trong các thức ăn ướp muối như là cá muối và dưa muối.
– Chất phụ gia và các chất gây nhiễm khác có trong thực phẩm: một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng một số phẩm nhuộm thực phẩm có thể gây ra ung thư, như chất paradimethyl amino benzene dùng để nhuộm bơ thành “bơ vàng” có khả năng gây ung thư gan.
Tại các nước phát triển, việc sử dụng các phẩm nhuộm thức ăn cũng như các chất phụ gia được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thức ăn nếu không quản lý nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và đây cũng là một trong những tác nhân gây ung thư. Do vậy, không mua thức ăn có màu sắc sặc sỡ hoặc nghi ngờ có sử dụng phẩm màu không cho phép. Nên dùng các màu sắc tự nhiên trong chế biến thức ăn như màu đỏ của cà chua, gấc; màu vàng của nghệ…
– Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các thực phẩm có chứa dư lượng, tàn tích của các thuốc trừ sâu, không chỉ có thể gây ra ngộ độc cấp tính mà còn khả năng gây ung thư.
– Cách nấu nướng và bảo quản thực phẩm: một số cách nấu thức ăn và bảo quản thực phẩm có thể sẽ tạo ra chất gây ung thư. Những thức ăn hun khói có thể bị nhiễm benzopyren, một chất gây ung thư thực nghiệm. Việc nướng trực tiếp thịt ở nhiệt độ cao có thể tạo ra một số sản phẩm có khả năng đột biến gen như dioxin, hydro-cacbon thơm đa vòng…
– Chất béo và thịt: các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy có mối liên quan giữa bệnh ung thư đại trực tràng với chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật. Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt gây ung thư qua cơ chế làm tiết nhiều axit mật, chất ức chế quá trình biệt hóa của các tế bào niêm mạc ruột. Các nhà khoa học đã nghiên cứu mối liên quan chặt chẽ tiêu thụ chất béo với ung thư vú. Tỷ lệ tử vong do mắc ung thư vú tăng theo mức tiêu thụ mỡ.
– Hoa quả và rau xanh: trong hoa quả và rau xanh chứa nhiều vitamin và chất xơ. Các chất xơ làm hạn chế sinh ung thư do chúng thúc đẩy nhanh lưu thông ống tiêu hóa, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, mặt khác bản thân chất xơ có thể gắn và cố định các chất gây ung thư để bài tiết theo phân ra ngoài cơ thể.
Các vitamin A, C, E làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi… thông qua quá trình oxy hóa, chống đột biến gen. Đặc biệt các loại rau thơm và rau gia vị với các thành phần chống oxy hóa (carotene, vitamin C…) và các tinh dầu không chỉ kích thích tiêu hóa mà còn hạn chế và ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư.
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau và hoa quả là tốt cho sức khoẻ. Các công trình nghiên cứu cho thấy bữa ăn hàng ngày có nhiều rau tươi, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Đó là một chế độ ăn giàu xơ cũng như các sinh tố A và C.
– Khi mua rau, quả hãy chọn loại có màu xanh, đỏ, vàng hoặc sẫm màu, có nhiều vitamin A hơn loại có màu nhạt.
– Gạo sát vừa, gạo lứt có chứa nhiều vitamin B1, chất xơ hơn so với gạo sát kỹ gạo trắng.
– Cần rửa sạch rau quả dưới vòi nước chảy và nếu có thể thì ăn cả vỏ và ăn sống. Tránh dùng thức ăn thừa hâm nóng lại. Những điều chú ý đơn giản này sẽ tránh được sự mất đi đáng kể của chất xơ và sinh tố trong thức ăn.
– Hãy vứt bỏ ngay thức ăn bị mốc. Các chất gây ung thư có thể có mặt trong lạc, các loại hạt, hạt giống và các loại ngũ cốc khác bị mốc.
– Cần kiểm tra thời gian hạn sử dụng của các thực phẩm.
– Không nên lạm dụng rượu bia.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống nhiễm các hóa chất gây ung thư trong thức ăn, việc thực hiện chế độ ăn cân đối hợp lý, tránh ăn quá nhiều mỡ, thịt động vật, đồng thời tăng cường tiêu thụ trái cây và rau xanh không chỉ là biện pháp dự phòng bệnh ung thư mà còn có thể phòng chống được nhiều bệnh khác.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương