Home / Blog / Personal Development / 3 “chiếc thuyền” nâng tầm xử thế

3 “chiếc thuyền” nâng tầm xử thế

Trên hành trình xây dựng sự nghiệp, bạn chắc chắn sẽ làm việc trong một tổ chức mà ở đó có những người cấp trên, cấp dưới và đồng cấp với bạn. Cách mà bạn xử thế với những dạng người này sẽ quyết định rất lớn đến khả năng thăng tiến lâu dài của riêng bạn, cũng như sự thành công của tổ chức mà bạn đang làm việc. 

Trong một số môi trường, một người quản lý cấp trung thường muốn được cấp dưới tung hô, coi họ là số 1, tuy nhiên bản thân họ lại ngại làm việc với cấp trên và tìm cách cạnh tranh với người đồng cấp. Điều này cũng không có gì lạ, bởi theo lẽ tự nhiên, một người chỉ cảm thấy thoải mái khi làm việc với người ở level thấp hơn, và cũng sẽ thấy khó chịu khi kết giao với người ở level cao hơn họ.

Trải qua nhiều năm lập nghiệp, tôi có cơ hội được làm việc với những giáo sư, tiến sỹ trong chuyên môn của mình, những doanh nhân triệu phú trên thương trường, đồng thời tôi cũng làm việc trong những tổ chức tình nguyện mà những thành viên trong đó là sinh viên, người lao động chân tay, hoặc các bạn kỹ sư mới ra trường. Nhờ đó, tôi đúc kết được một nguyên tắc quan trọng về xử thế, xoay quanh 3 kỹ năng: partnership (cộng tác), leadership (lãnh đạo), mentorship (cố vấn).

Trong tiếng Anh, ship cũng đồng nghĩa là thuyền, nên tôi gọi nguyên tắc này là “3 chiếc thuyền nâng tầm xử thế”. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm một hệ thống nguyên tắc để giúp bạn ứng xử hiệu quả nhất trong cuộc sống & công việc, tôi tin chắc rằng những chia sẻ dưới đây là dành cho bạn. 

Partnership: tinh thần cộng tác – đây là mắt xích để duy trì những mối quan hệ bền chặt. Cần có tinh thần cộng tác để có thể làm việc với nhau như một đội.

  • Với cấp dưới: partnership đến từ việc đặt sự tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ của tôi. Bất cứ khi nào giao nhiệm vụ cho đội ngũ, tôi luôn tin tưởng công việc sẽ hoàn thành, nhưng đồng thời luôn cho đội ngũ biết rằng bất cứ khi nào họ cần, tôi đều sẵn sàng ở đó để giúp đỡ. 
  • Với cấp ngang: partnership là việc bỏ qua quyền lợi của cá nhân để cống hiến cho mục tiêu lớn của tổ chức.
  • Với cấp trên: partnership thể hiện trong việc giữ uy tín của tôi, đã đảm nhận công việc gì thì tôi sẽ cam kết để hoàn thành đúng hạn với chất lượng cao nhất.

Leadership: tinh thần lãnh đạo – là nền tảng để tổ chức chinh phục được những mục tiêu cao hơn, đồng thời làm việc hiệu quả hơn.

  • Với cấp dưới: leadership thể hiện qua việc làm gương – “lead by example”. Bất cứ điều gì tôi muốn đội ngũ mình phát huy, tôi sẽ là người đầu tiên thực hiện nó.
  • Với cấp ngang: leadership chính là việc sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Nếu có bất cứ công việc gì mà tổ chức cần và tôi có khả năng giải quyết, tôi sẽ xung phong nhận nó. 
  • Với cấp trên: leadership thể hiện qua việc nhất quán (unity) tầm nhìn với người lãnh đạo lớn. Tôi luôn đảm bảo những gì tôi làm cùng đội ngũ của mình chắc chắn để phục vụ mục tiêu chung của tổ chức.  

Mentorship: tinh thần cố vấn – là yếu tố then chốt để phát triển năng lực của mỗi thành viên trong tổ chức. 

  • Với cấp dưới: mentorship đến từ việc dành thời gian chất lượng của cá nhân tôi để làm việc, hỗ trợ và nâng tầm mỗi thành viên trong đội ngũ. Thời gian chất lượng được định nghĩa bởi sự tập trung, hết lòng của tôi, cũng như cam kết làm việc đều đặn, định kỳ cùng đội ngũ.
  • Với cấp ngang: mentorship là sẵn sàng mang những gì tốt nhất của bản thân đặt lên bàn họp để giúp giải quyết vấn đề chung của tổ chức hoặc của các lãnh đạo khác. Với tôi, trải nghiệm & sự thông thái sẽ trường tồn mãi mãi khi tôi chia sẻ cho những người cần nó, nếu không nó cũng sẽ mất đi khi tôi không còn tồn tại nữa. 
  • Với cấp trên: mentorship được thể hiện qua tinh thần ham học hỏi (teachable). Với tôi, mỗi buổi làm việc với cấp trên là một buổi học, tôi luôn chuẩn bị trước về tinh thần, thời gian, câu hỏi, cũng như các công cụ ghi chép để chắc chắn buổi học của mình sẽ được chuyển hoá thành một kỹ năng áp dụng vào thực tiễn. 

Bạn thân mến, đối nhân xử thế là một khía cạnh vô cùng nhạy cảm, mà thường sẽ chẳng có một công thức thành công cố định nào, bởi vì mỗi người là một tính cách – một biến số, và một phép tính kết hợp nhiều biến số sẽ vô cùng phức tạp. Do đó, những chia sẻ trên của tôi giúp bạn thiết lập một “hệ tiêu chuẩn” để làm việc với đa dạng các tầng trong tổ chức và cả cuộc sống của bạn. 

Bản thân tôi, trong hơn 10 năm qua, tôi may mắn tìm được những môi trường phù hợp để phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt là các kỹ năng về cộng tác, lãnh đạo và cố vấn. Tôi cũng rất vui có thể chia sẻ sự may mắn này với bạn. Vậy nên, nếu bạn cũng đang tìm kiếm những môi trường tốt để giúp mình nâng tầm sự nghiệp, bạn có thể liên lạc với tôi để ta cùng trao đổi và hiểu nhau hơn trước khi tôi giúp bạn kết nối với môi trường bạn đang tìm kiếm nhé. 

Cho sự thành công của bạn,

Nguyễn Long Hải. 

Check Also

Để nghề chọn người, nhưng hãy để người chọn nghiệp

Hiếm có người nào chọn đúng nghề để làm. Tại sao lại như vậy? Thử hỏi… ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.