Home / Blog / My Sharing About Life / Hành trang cho tuổi 30, cần chuẩn bị những gì?

Hành trang cho tuổi 30, cần chuẩn bị những gì?

Tôi viết bài này vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình. Đối với tôi, 30 tuổi là một cột mốc quan trọng, bởi nó là tuổi chuyển giao giữa nửa đầu và nửa sau của cuộc đời. Jim Rohn có nói rằng “những gì bạn nỗ lực để học hỏi và cho đi ở nửa đầu cuộc đời, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn nữa khi bước vào nửa còn lại”.

Năm 25 tuổi, tôi lấy bằng thạc sĩ và quyết định không học lên nữa, tôi cũng có 2 năm vừa học vừa làm tại một tập đoàn thiết kế vi mạch của Nhật). Ngay khi kết thúc việc học từ trường học cũng như trau dồi chuyên môn từ công việc, tôi quyết định 5 năm tiếp theo sẽ là thời gian tôi học từ trường đời, cũng như xây dựng những nền tảng cần thiết cho sự nghiệp lâu dài. Ở tuổi 30, điều mà tôi tự hào nhất về bản thân mình, đó không phải là những nguồn thu nhập từ công việc, kinh doanh, cũng không phải là những tài khoản tiết kiệm hay mảnh đất trồng cây lâu năm; mà tôi tự hào bởi những nền tảng kỹ năng, tư duy tài chính, những trải nghiệm sống mà mình có được, bởi những điều này chính là nền móng vững chắc cho những ước mơ cao vời đang dần được hiện thực hóa của tôi.

Hãy sống hết mình ở tuổi trẻ, bởi chẳng bao giờ trong tương lai bạn sẽ trẻ trung như chính giây phút này.
Hãy sống hết mình ở tuổi trẻ, bởi chẳng bao giờ trong tương lai bạn sẽ trẻ trung như chính giây phút này.

Tôi viết những dòng dưới đây để chia sẻ với các bạn đang và sẽ bước vào tuổi 30, để giúp các bạn có thể xác lập được những mục tiêu đúng đắn và phấn đấu. Tôi cũng tin rằng bất cứ bạn nào áp dụng được những điều này sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn tôi vào thời điểm này, bởi bạn sẽ không phải tốn những năm tháng quý giá của tuổi trẻ giống tôi để chơi trò: làm -> sai -> làm lại cách khác -> vẫn sai -> làm lại cách khác nữa -> đúng.

Hành trang bạn cần chuẩn bị vào năm 30 tuổi là gì?

1. Một công việc hành chính ổn định với mức thu nhập gấp đôi nhu cầu sống bình thường của một người.

  • Đây là ưu tiên hàng đầu, bởi vào 30 tuổi bạn ít nhất đã và sẽ lập gia đình. Và điều quan trọng để giữ lửa cho gia đình, đặc biệt đó là nhiệm vụ chính với người đàn ông, đó là đảm bảo về tài chính hàng tháng. Cho rằng 1 người cần khoảng 10triệu để sống ở thành phố, thì bạn ít nhất phải có thu nhập 20 triệu/tháng để vừa lo cho bản thân, vừa lo cho con nhỏ hoặc bố mẹ già. Nếu chưa đạt được mục tiêu này, bạn đừng nên nghĩ đến việc tìm những cơ hội làm ăn khác.
  • Tôi nghĩ mục tiêu này rất dễ để thực hiện, bởi hầu hết bạn bè tôi ở tuổi này đã có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc và đều đạt được mức thu nhập tối thiểu 20triệu/tháng. Điều quan trọng là bạn cần tìm một công việc phù hợp với thế mạnh và kiên trì làm việc để gia tăng thu nhập của mình.

2. Kỹ năng lãnh đạo.

  • Sau tuổi 30, thường người ta khó phát triển thêm về năng lực chuyên môn, đặc biệt là với những bạn làm trong lĩnh vực kỹ thuật. Do đó người ta có 2 lựa chọn, hoặc là duy trì việc làm chuyên môn đến hết đời và nhận mức thu nhập tăng hàng năm chỉ bằng trượt giá, hoặc là phát triển lên làm quản lý, nhận trách nhiệm cao hơn và có mức thu nhập cao hơn. Dĩ nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn đã nghiên cứu và phát triển những kỹ năng lãnh đạo từ trước, để đến khi cần thì bạn đã có sẵn rồi.
  • Có rất nhiều kỹ năng sống cần phải trau dồi, nhưng theo tôi, mục tiêu số một vẫn là phát triển kỹ năng lãnh đạo. Bởi kỹ năng lãnh đạo chính là đã bao gồm những kỹ năng nhỏ như thuyết trình trước đám đông, khích lệ và thuyết phục, làm việc con người, quản lý nhân lực… Khi tập trung vào việc phát triển kỹ năng lãnh đạo, bạn sẽ phát triển các kỹ năng sống của mình một cách toàn diện.

3. Tư duy tài chính đúng đắn.

  • Từ nhỏ đến lớn, hầu hết những gì bạn được học chỉ nhằm giúp cho bạn biết cách kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Tuy nhiên điều này chỉ giúp cho bạn đủ sống. Bạn cần phải học cách sử dụng đồng tiền mình kiếm được một cách hiệu quả, cách dùng tiền để tạo ra tiền, cách sử dụng những nguồn lực khác để thay bạn kiếm tiền.
  • Những người có cuộc sống đáng mơ ước, thường họ không phải là người giỏi kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, nhưng họ lại giỏi trong việc sử dụng đòn bẩy (thời gian, nhân lực, tiền của người khác) để kiếm được nhiều tiền hơn. Tư duy tài chính này không có bất kỳ trường học nào dạy, tuy nhiên bạn có thể học từ trường đời.

4. Những mối quan hệ chất lượng.

  • Cho dù bạn nghĩ mình giỏi như thế nào, rồi một ngày bạn sẽ nhận ra rằng mình không phải là người giỏi tất cả. Bạn cần có những người bạn để giúp mình giải quyết những vấn đề không phải là thế mạnh (và dĩ nhiên bạn cũng sẽ giúp bạn bè mình giải quyết vấn đề của họ bằng chính thế mạnh của bạn). Chất lượng cuộc sống phụ thuộc chất lượng các mối quan hệ, hãy thử tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn thế nào nếu bạn có những người bạn làm bác sĩ, giáo viên, công an và nhiều ngành nghề khác nữa.
  • Hãy chủ động kết giao với những người giỏi hơn mình. Thông thường ta chỉ thích chơi với bạn bè ngang tầm hoặc thậm chí dưới cơ mình, bởi điều đó khiến ta thấy thoải mái. Tuy nhiên điều đó không giúp ta nâng cấp bản thân được. Bạn cần phải chủ động tìm kiếm những người giỏi hơn mình để học hỏi từ họ, tôi nhắc lại là chủ động tìm kiếm bởi thường người giỏi hơn bạn sẽ không tìm kiếm bạn để làm gì 😀
  • Nếu bạn đang được giúp đỡ, cố vấn từ một người nào đó bởi vì bạn và họ đang cùng hội cùng thuyền, hoặc vì họ đang thực hiện một sứ mệnh cao cả hơn (thường những người sau khi lên đến đỉnh cao bằng chính nỗ lực của cá nhân, họ sẽ có mong muốn đi xuống và giúp đỡ người khác), bạn hãy trân quý mối quan hệ đó.

5. Thông thạo ngoại ngữ

  • Thế giới nhờ internet đã trở thành thế giới phẳng, tức là mọi người có thể kết nối với nhau trong tích tắc mà không bị trở ngại về thời gian và địa lý. Do đó thông thạo ngoại ngữ chính là lợi thế để bạn mở rộng biên giới các mối quan hệ, cũng như đón nhận những kiến thức, những cơ hội mới một cách tốt hơn.
  • Tôi khuyến khích bạn học những ngôn ngữ mà có nhiều người trên thế giới cùng sử dụng nhất, ưu tiên thứ nhất là tiếng Anh, thứ 2 là tiếng Hoa, sau đó mới đến một ngôn ngữ nào đó mà bạn thích (tiếng Nhật, tiếng Hàn,…)

6. Kinh doanh của riêng bạn

  • Theo tôi, kinh doanh là hành trang mà bạn cần phải phát triển cho đến hết đời. Bởi chỉ khi có kinh doanh riêng, bạn mới có cơ hội gia tăng thu nhập của mình không giới hạn, bạn mới có môi trường để phát huy và sử dụng một cách tối đa kỹ năng lãnh đạo, tư duy tài chính, các mối quan hệ và khả năng ngoại ngữ của mình.
  • Tôi để hành trang này ở vị trí cuối cùng, bởi vì tôi muốn bạn tập trung phát triển 5 hành trang phía trên trước, vì nếu có đủ 5 hành trang đó, bạn sẽ xây dựng kinh doanh dễ dàng hơn rất nhiều. Hoặc chí ít nếu muốn có cơ may thành công trong kinh doanh, bạn có thể vừa xây dựng kinh doanh nhưng đồng thời bạn cũng xây dưng song song 5 hành trang còn lại (giống như tôi đã làm).
Kinh doanh phát triển song song với sự phát triển cá nhân
Kinh doanh phát triển song song với sự phát triển cá nhân

Tôi đã chia sẻ với bạn 6 hành trang mà tôi đã áp dụng từ lúc 25 tuổi, để chuẩn bị cho tuổi 30 của mình. Dĩ nhiên trong một bài viết, tôi không thể chia sẻ cụ thể cho bạn những phương pháp, chiến lược mà tôi đã áp dụng cho từng hành trang như thế nào. Nhưng nếu bạn cũng đang áp dụng hoặc mong muốn áp dụng những chia sẻ phía trên, bạn có thể liên lạc với tôi, tôi sẽ giúp bạn đưa ra định hướng rõ ràng hơn cho đúng với trường hợp cụ thể của bạn.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Đảm bảo ở hiệp 1, làm gì ở hiệp 2?

Cuộc đời như một trận bóng đá có 2 hiệp. Hiệp 1 thì hầu hết ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.