Home / Blog / My Sharing About Life / Nếu có mục tiêu lớn, hãy bắt đầu làm chuẩn từ việc nhỏ

Nếu có mục tiêu lớn, hãy bắt đầu làm chuẩn từ việc nhỏ

Tôi bắt đầu khởi nghiệp vào đầu những năm 2010, cũng đã hơn chục năm trôi qua với hàng tá những thăng trầm, và may mắn thay tôi vẫn đứng vững để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Thời điểm đó, tôi vẫn đang là một anh chàng sinh viên năm cuối chưa trải sự đời, nhưng có những mục tiêu lớn cho bản thân và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tạo nên sự khác biệt so với những bạn bè cùng trang lứa.

Khi tôi chia sẻ những kế hoạch của mình với bạn bè và người thân, hầu hết mọi người xung quanh đều nghi ngờ về khả năng thành công của tôi, thậm chí có người còn nghĩ tôi là kẻ “dở hơi”. Mọi người có lý do của họ, bởi với một người chưa có bằng cấp, không vốn, không mối quan hệ, không kỹ năng kinh doanh thì chẳng có cơ sở nào để xây dựng một doanh nghiệp lớn.

Vậy điều gì đã giúp tôi vượt qua tất cả những trở ngại đó để sau hơn 10 năm lập nghiệp, tôi đã làm được những điều mà người bình thường có thể mất cả đời để gầy dựng, đồng thời phát triển doanh nghiệp của mình một cách bền vững và vươn ra thế giới? Đó là tôi đã có mục tiêu lớn nhưng sẵn sàng bắt đầu và làm đúng quy chuẩn từ những việc nhỏ.

Triết lý này của tôi thoạt đầu nghe có vẻ lạc hậu trong một thời đại của công nghệ, khi mà mọi người có thể tiếp cận nhiều nguồn lực, đặc biệt là thông tin và kết nối xã hội một cách dễ dàng. Tôi hay nói đùa là chúng ta đang sống trong thời đại “mì ăn liền”. Bạn biết đấy, “mì ăn liền” thì vừa ngon vừa dễ làm, lại vừa rẻ, tuy nhiên nó lại không bổ dưỡng. Ông bà thường nói “ngon, bổ, rẻ không bao giờ đi cùng nhau”, tôi nghĩ rằng điều đó rất đúng. Sự nghiệp mà tôi theo đuổi như một món ăn ngon lành & bổ dưỡng, nên chắc chắn nó không thể nhanh và rẻ được.

Nếu bạn từng nghiên cứu những tấm gương tỷ phú tự thân như Bill Gates, Steve Jobs, Rich Devos, Jack Ma, Chung Ju-Yung, Đặng Lê Nguyên Vũ, Phạm Nhật Vượng… bạn sẽ thấy tất cả họ đều bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ, thậm chí từ chính tầng hầm trong nhà để rồi sau đó hàng chục năm trở thành những đế chế vĩ đại. Tôi không nói rằng mình có thể đạt được tầm cỡ như họ khi kết thúc sự nghiệp của mình, nhưng tôi hiểu rằng mình cũng cần phải bắt đầu như vậy. Đó chính là cơ sở để tôi quyết định hoàn thiện từng việc nhỏ mỗi ngày, đồng thời làm việc một cách đều đặn, kiên trì để rồi 10 năm trôi qua, những việc nhỏ đó tích lũy lại thành một sự nghiệp lớn.

Vậy đâu là 3 việc nhỏ tôi đã làm từ những ngày đầu lập nghiệp và duy trì nó cho đến hiện tại?

Thứ nhất: liên tục phát triển năng lực. Hầu hết mọi người được tuyên truyền rằng “nếu muốn làm kinh doanh thì không cần phải học giỏi”, đây chính là một ngộ nhận sai lầm. Thậm chí nhiều người vì thất nghiệp nên tìm đến con đường kinh doanh bởi vì coi kinh doanh là một nghề không cần bằng cấp. Yes, bạn có thể bắt đầu kinh doanh mà không cần bằng cấp, nhưng để trở thành doanh nhân chuyên nghiệp, bạn phải học nhiều hơn mọi người, thậm chí việc học giỏi phải là một thứ mặc định đối với bạn. Đừng lấy việc những vĩ nhân họ không tốt nghiệp đại học đem ra làm ví dụ, bởi vì với họ không muốn lấy điểm A ở trường học để tập trung mọi nguồn lực lấy điểm A ở trường đời.
Đối với tôi, “entrepreneur is the great learner” – doanh nhân là một người trò giỏi. Nếu hỏi tài sản của tôi sau 10 năm lập nghiệp là gì, thì tôi có thể khẳng định với bạn, tài sản lớn nhất chính là bộ kỹ năng mà tôi gầy dựng được. Để xây dựng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ & vươn tầm thế giới, tôi đã nỗ lực hoàn thành chương trình thạc sỹ kỹ thuật, cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh, kèm theo việc hoàn thành nhiều chứng chỉ tin học từ cơ bản đến nâng cao. Tôi còn học và luyện tập rất nhiều kỹ năng mềm từ giao tiếp, thuyết trình đến quản lý & lãnh đạo. Tôi có chia sẻ một bộ sưu tầm các tài liệu vàng về kinh doanh và lập nghiệp mà tôi đã nghiên cứu ở đây http://nguyenlonghai.com/golden-business-gift-overview. Bạn thấy đấy, để có thể hoàn thiện hàng tá kỹ năng cần thiết, tôi đã phải học tập liên tục trong suốt gần chục năm. Tôi cũng khuyến khích bạn coi “sự học là công việc trọn đời” như tôi đã và đang làm.

Thứ hai: phát triển đội ngũ cốt lõi. Tôi ý thức sâu sắc rằng “giới hạn của một kế hoạch nằm ở số lượng và chất lượng của những người thực hiện nó”, do đó việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Thậm chí trong suốt 10 năm lập nghiệp, hầu hết những khoản đầu tư của tôi, từ tiền của đến thời gian, chất xám đều đổ dồn vào mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân sự cốt lõi.
Tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc làm đúng, làm chuẩn, thậm chí là tự động hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo nhân sự ngay từ khi doanh nghiệp còn ít người. Bởi nếu không làm được điều này thì không thể nào mở rộng quy mô doanh nghiệp lớn hơn được khi mà thời gian làm việc của tôi là có giới hạn. Nếu bạn cũng quan tâm đến quy trình tuyển dụng & đào tạo nhân sự của tôi, bạn có thể truy cập vào đây để tham khảo http://nguyenlonghai.com/business-process/. Một doanh nhân từng nói, “đầu tư vào con người là đầu tư siêu lợi nhuận”, tôi thấy điều này đúng sau 10 năm xây dựng doanh nghiệp. Lợi nhuận mà tôi nhận được không chỉ là về tài chính, mà đó là việc tôi có thể xây dựng được một doanh nghiệp tự vận hành ở nhiều cấp độ, đó còn là một cảm giác “peace in mind” (bình yên trong tâm trí) khi được làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng.

Thứ ba: liên tục kết nối – keep on connecting. Đây có thể nói là việc thử thách nhất với tôi, bởi tôi vốn là một người sống nội tâm, tôi thích những khoảng tĩnh lặng một mình hơn là xuất hiện tại những nơi đông người hay các trang mạng xã hội. Nhưng tôi hiểu rằng “chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng & số lượng của các mối quan hệ”, và với một người trưởng thành, tôi phải làm những điều “cần thiết phải làm”, không quan trọng là tôi có thích hay không.
Hàng ngày tôi đều kết nối với ít nhất một người bạn mới, hàng tuần kết nối với đội ngũ cốt lõi, hàng tháng đều có ít nhất một buổi cafe với 1 người thành công đi trước. Điều này giúp tôi mở mang được những tầm nhìn mới, hiểu được nhiều hơn về những bạn bè xung quanh, đặc biệt là bạn bè làm việc ở những lĩnh vực chuyên môn khác. Khi thế giới quan rộng mở hơn, tôi trở nên thông thái hơn và nhìn thấy nhiều cơ hội ngay trong những thời khắc khó khăn. Tôi cũng rất vui có thể trò chuyện với bạn, người đang đọc những dòng này, ta có thể chat, có thể video call hoặc cùng uống 1 ly cafe. Hãy nhắn cho tôi 1 tin nhắn để ta có thể kết nối bạn nhé.

Trên đây là 3 điều cơ bản mà tôi đã làm hàng ngày để biến mình từ một doanh nhân nghiệp dư với doanh nghiệp 1 thành viên để sau 10 năm trở thành một doanh nhân chuyên nghiệp và xây dựng một doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự lên đến 3 chữ số và tiếp tục phát triển bền vững. Bạn thân mến, tôi biết rằng mỗi chúng ta có một xuất phát điểm khác nhau, câu chuyện của tôi có thể khác câu chuyện của bạn, nhưng tôi tin tưởng nếu bạn có thể kiên trì thực hiện những việc tôi chia sẻ ở trên một cách đều đặn, kiên trì, chắc chắn bạn và tôi sẽ cùng gặp nhau ở đích đến của đỉnh thành công. Tôi chúc bạn tiếp tục mạnh mẽ trên con đường bạn đã chọn.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Đảm bảo ở hiệp 1, làm gì ở hiệp 2?

Cuộc đời như một trận bóng đá có 2 hiệp. Hiệp 1 thì hầu hết ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.