Home / Blog / My Sharing About Life / Nghĩ lớn hơn nhưng hãy làm nhỏ lại

Nghĩ lớn hơn nhưng hãy làm nhỏ lại

Khi mới lập nghiệp, tôi từng tự hỏi “vì sao trong số cả ngàn kỹ sư Bách Khoa ra trường mỗi năm, chỉ có số ít người thành đạt trong sự nghiệp”. Đến khi ra làm doanh nghiệp riêng, tôi tiếp tục hỏi “vì sao trong số hàng trăm ngàn người khởi nghiệp mỗi năm, chỉ có một số ít gầy dựng được doanh nghiệp bền vững”.

Dĩ nhiên để vươn đến đỉnh cao trong bất cứ lĩnh vực nào cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên xét cho cùng thì cũng chỉ có 2 yếu tố quan trọng nhất, đó là suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ đúng kết hợp hành động đúng, chắc chắn sẽ tạo ra kết quả đúng. Hơn thế nữa, trong trường hợp bị những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự nghiệp, một người hoàn toàn có thể quyết định được cách mà họ suy nghĩ & hành động như thế nào để vượt qua nghịch cảnh và tiếp tục vươn lên. Tôi cũng mất gần chục năm bươn chải trong công việc chuyên môn, và cũng gần ngần ấy năm ra làm riêng để tìm được lời giải, đồng thời đúc rút ra bí quyết cho riêng mình, tôi gọi bí quyết này là “nghĩ lớn hơn nhưng hãy làm nhỏ lại”. 

Thế nào là nghĩ lớn hơn? Nghĩa là mở tầm nhìn ra để thấy được những thứ xa và lớn hơn trong tương lai, đồng thời đặt kỳ vọng về thành quả ở mốc thời gian lâu hơn. Một ví dụ kinh điển là câu chuyện 3 anh thợ xây. Khi được hỏi về công việc họ đang làm, anh đầu tiên trả lời “tôi đang lát gạch”, anh thứ hai trả lời “tôi đang xây một ngôi nhà”, anh cuối cùng trả lời “tôi đang xây một khu phố mới”. Vài năm sau, anh đầu tiên vẫn là thợ xây, anh thứ hai lên trưởng nhóm, còn anh thứ ba làm giám đốc công ty.

Bạn thấy đấy, nhiều người có thể có cùng xuất phát điểm, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ sẽ đến cùng một đích. Giới hạn trong sự nghiệp chính là giới hạn một người tự đặt cho riêng mình. Nếu một người hài lòng với những gì họ đang có, người đó sẽ ngưng việc học hỏi và chấp nhận làm một việc lặp đi lặp lại trong nhiều năm dài. Nếu một người chưa hài lòng và muốn có được nhiều hơn, họ sẽ tiếp tục nỗ lực để làm tốt công việc hiện tại và nâng cao năng lực bản thân để thăng tiến. Và nếu một người có những mục tiêu nằm ngoài khả năng của bản thân, đồng thời đủ khao khát để đạt được nó, họ không chỉ nỗ lực trau dồi năng lực bản thân, mà còn đi tìm những phương pháp mới hiệu quả hơn cách làm hiện tại, đồng thời kết nối nhiều người hơn nữa để làm việc cùng.

Thế nào là làm nhỏ lại? Đó là tập trung vào việc hoàn thiện từng việc làm nhỏ nhưng quan trọng. Giống như việc để có một tác phẩm nghệ thuật đẹp, người nghệ sĩ phải chăm chút đến từng nét cọ, để rồi tất cả nét cọ đó sẽ phối hợp cùng nhau tạo nên một bức vẽ hoàn hảo. Bức tranh sự nghiệp của một người cũng vậy, nó có trở nên đẹp hay không, phụ thuộc vào những việc nhỏ mà họ đang làm mỗi ngày. Bạn có thể thấy từ tấm gương những vĩ nhân tạo nên các tập đoàn tỷ đô như Bill Gates, Steve Jobs, họ đều bắt đầu doanh nghiệp trong tầng hầm để xe rồi mới lớn mạnh sau vài chục năm. Hoặc như bác Vũ tạo dựng cafe Trung Nguyên, khởi đầu cũng là một anh chàng vô danh đi thu gom cafe rang xay. Do đó, nếu một người có một mục tiêu lớn và trăn trở đi tìm lời giải “tôi phải làm gì để đạt được mục tiêu”, hãy thay đổi cách hỏi. Hãy hỏi bản thân “điều gì tôi có thể làm mỗi ngày, để sau khoảng thời gian tôi mong muốn đạt được mục tiêu”. Tìm được việc quan trọng đó và thực hiện một cách đều đặn, kiên trì mỗi ngày, đó là nền tảng vững chắc nhất để phát triển sự nghiệp lớn mạnh lâu dài.

Tôi đã áp dụng bí quyết “nghĩ lớn hơn và làm nhỏ lại như thế nào?”. Trước khi tìm được bí quyết này, tôi vốn là một người mong muốn mọi thứ sẽ đến với mình một cách nhanh chóng và dễ dàng, tôi cũng đồng thời là một người thích trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau này, khi trải nghiệm đủ, tôi mới hiểu rằng tuổi trẻ của mình không quá dài, nếu dùng tuổi trẻ để đổi lấy những lợi ích nhất thời thì tôi có thể thăng tiến trong ngắn hạn, nhưng khi tuổi trẻ qua đi tôi sẽ bắt đầu gặp nhiều vấn đề. Chẳng ai muốn khi mình ở ngoài tuổi 30, cận kề 40 lại còn phải loay hoay đi tìm hướng lập nghiệp, lại phải thử sai, sai thử thêm nhiều lần. Do đó, tôi bắt đầu nhìn nhận lại, lựa chọn định hướng có thể giúp mình phát triển lâu dài & trở thành sự nghiệp trọn đời, đồng thời cũng từ bỏ tất cả những cơ hội còn lại. Tôi lựa chọn kinh doanh theo mô hình ECIN (E-Commerce + Internet marketing + Network building) làm định hướng lâu dài của mình. Đây là một hướng đi đòi hỏi tôi phải dành thời gian để phát triển ít nhất 5 năm mới có được nguồn lợi nhuận tốt. Tôi cũng từ chối và bỏ qua những cơ hội tiềm năng khác, đặc biệt là những cơ hội về đầu tư tài chính & bất động sản. Nhiều bạn bè nói tôi chậm chạp, không biết chớp thời cơ để phất lên nhanh, nhưng tôi hiểu rõ mình đang làm gì, bởi thứ mà tôi theo đuổi chính là sự bền vững và lớn mạnh về lâu dài.

Tôi đồng thời cũng lên một bảng thời gian biểu những việc quan trọng cần thực hiện trong ngày và trong tuần, làm một cách đều đặn để phát triển thành thói quen. Thầy của tôi từng nói “business owner is master of the basics” – doanh nhân là bậc thầy của những việc cơ bản. Chính vì vậy, điều mà tôi tự hào về bản thân mình nhất, đó là trong khoảng 3 năm trở lại đây, tôi gần như không phải cập nhật lại thời gian biểu hàng tuần của mình cho những việc quan trọng, bởi những việc đó đã vào chế độ tự động, giống như sáng dậy rửa mặt, tối trước khi ngủ đánh răng.

Bạn thân mến, bạn có đồng ý rằng, “bất cứ thứ gì cũng có giá của nó, và những thứ đáng giá lại thường không đến một cách nhanh chóng dễ dàng”? Tôi nhận thấy lý do trước kia mình không gặt hái được thành công, bởi vì mình nghĩ không đủ xa để có thể nhìn thấy được những thứ đáng giá và cũng không chịu làm những việc nhỏ đều đặn để trả cái giá của nó. Chính nhờ giác ngộ điều này, tôi đã thay đổi được chất lượng cuộc sống và sự nghiệp của mình. Còn bạn thì sao, bạn có đang theo đuổi một định hướng lâu dài và lên kế hoạch thực hiện những việc nhỏ hàng ngày chứ? Nếu có, hãy cùng chia sẻ với tôi nhé. Nếu chưa, tôi nghĩ hôm nay chính là thời điểm tốt hơn bất cứ lúc nào khác trong tương lai để bạn xác định con đường mình muốn đi và cái giá bạn sẵn sàng trả để theo đuổi nó. Nếu bạn cần một lời khuyên, hãy liên lạc với tôi để mình nói chuyện và hiểu nhau hơn nhé.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Bẻ ngọn hay xây gốc?

Làm thế nào để thành công là chủ đề mà mọi thế hệ lập nghiệp ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.