Tôi từng đọc nhiều sách, từng đi nghe nhiều chuyên gia nói về sức mạnh của cấp số nhân, rằng 1×1 < 1+1, nhưng 10×10 sẽ lớn gấp 5 lần 10+10. Lúc mới nghe, tôi cũng chỉ biết như vậy, nhưng chưa thực sự hiểu ý nghĩa và cách áp dụng sức mạnh này cho đến khi thấy được một ví dụ thực tế như sau:
Một người có 100triệu và gửi ngân hàng, lãi suất 10%/năm. Cứ mỗi năm người đó lại lấy tiền lời ra và tiêu xài, thì sau 50 năm, số tiền 100triệu vẫn được bảo toàn và họ nhận được tổng tiền lãi là (100*0.1*50) = 500triệu. Đây chính là cấp số cộng, 10 triệu tiền lời mỗi năm được cộng trong 50 năm.
Trong một trường hợp khác, nếu người đó không dùng tiền lãi mà tiếp tục để nó trong ngân hàng, thì sau 50 năm, tài khoản tiết kiệm này sẽ là (100*1.150) triệu, tức là khoảng 10 tỷ. Thậm chí nếu người đó sống đủ lâu và gửi 100 năm, con số này sẽ là gần 1000 tỷ. Đây chính là cấp số nhân – quy luật hàm mũ.
Bạn thấy đấy, cùng một số tiền ban đầu, cùng một chế độ lãi suất, nhưng khi biết áp dụng cấp số nhân, về lâu dài một người sẽ có lợi nhuận khủng khiếp gấp cả trăm lần so với lợi nhuận từ cấp số cộng.
Phép tính này khiến tôi bừng tỉnh, từ đó tôi đã điều chỉnh định hướng sự nghiệp của mình, từ việc chuyển những cấp số cộng để tạo ra những cấp số nhân cho sự thành đạt trong tương lai. Dưới đây là những cặp cấp số nhân/cộng mà tôi đã thực hiện chuyển đổi.
- Làm thêm giờ là cấp số cộng – Gia tăng năng lực bản thân là cấp số nhân. Thay vì tìm cách làm thêm giờ để tăng thu nhập, tôi tìm cách gia tăng năng lực của mình bằng việc trau dồi kỹ năng chuyên môn, quản lý và lãnh đạo. Từ đó, giá trị của tôi gia tăng và thu nhập của tôi gia tăng trong mỗi giờ làm việc của mình. Điều này lý giải vì sao những người làm một việc lặp đi lặp lại trong vòng nhiều năm thì thu nhập không thể cao bằng những người luôn từng ngày tìm cách cải tiến năng lực và cách làm việc.
- Làm công là cấp số cộng, làm chủ là cấp số nhân. Thu nhập = giá trị * thời gian * quy mô. Với người làm công thì nhân tố “quy mô” luôn là 1, nếu năng lực chuyên môn (giá trị) đạt đến ngưỡng, để tăng thu nhập, họ bắt buộc phải tăng thời gian làm. Với người làm chủ, nhân tố “quy mô” có thể gia tăng thông qua việc thuê mướn nhân viên hoặc kết nối thêm đối tác, mở rộng sản xuất,… Đây còn gọi là đòn bẩy về thời gian. Điều này lý giải tại sao làm chủ mặc dù nhiều thử thách và rủi ro, nhưng cũng là niềm mong ước của nhiều người.
- Phát triển nhân viên là cấp số cộng, phát triển lãnh đạo là cấp số nhân. Đối với người làm chủ, nếu chỉ tập trung tạo ra nhân viên, quy mô của doanh nghiệp cũng chậm phát triển, bởi người nhân viên chỉ hoàn thành được phần việc của họ rồi thôi. Nhưng khi phát triển lãnh đạo, người lãnh đạo này còn có khả năng thu hút, đào tạo những nhân viên mới, thậm chí là thu hút và cộng tác với những lãnh đạo khác, giúp tổ chức phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp có những lãnh đạo giỏi sẽ ổn định và phát triển một cách vững chắc, lâu dài.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ thấu hiểu những điều này, tôi bắt đầu tập trung vào việc nâng cao năng lực cá nhân, với tiêu chí giỏi hơn chính mình ngày hôm qua nhưng không giỏi bằng mình ngày mai. Song song đó, ngoài công việc chuyên môn, tôi bắt đầu sử dụng thời gian ngoài giờ, thay vì tìm cách làm thêm giời, tôi xây dựng doanh nghiệp cho riêng mình để tận dụng cấp số nhân từ quy mô. Tôi cũng đồng thời phát triển năng lực lãnh đạo của mình, từ đó tạo ra nhóm làm việc chuyên môn, giúp tôi “share the load”, đồng thời liên tục kết nối với những lãnh đạo tiềm năng, dành thời gian cá nhân để phát triển họ. Đây là một hành trình dài và 10 năm đối với tôi cũng giống như là chặng khởi đầu, nhưng tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết cho bản thân và những người đồng đội xung quanh.
Bạn thân mến, nếu bạn còn phát hiện ra những cặp cấp số cộng/số nhân nào ngoài 3 điều kể trên, hãy chia sẻ cùng tôi nhé. Cùng nhau, ta có thể làm nên những điều tốt đẹp hơn.
Best Regards,
Nguyễn Long Hải.