Home / Blog / My Sharing About Life / Thành đạt cần có thời gian, nhưng đừng nên để thời gian đó kéo dài hàng chục năm.

Thành đạt cần có thời gian, nhưng đừng nên để thời gian đó kéo dài hàng chục năm.

Thành đạt trong cuộc sống là một điều đáng giá, do đó cần phải trả giá. Không thể nào một người trở nên thành đạt trong một sớm một chiều, có người cần cả vài chục năm để thành đạt. Tuy nhiên trong thời đại “mì ăn liền”, ai cũng muốn mọi thứ đến với mình một cách nhanh chóng, thì làm việc cần cù đến năm 50-60 tuổi để trở nên thành đạt là một thứ quá đỗi xa xỉ.

Khi còn trẻ, tôi có may mắn được ngồi nói chuyện và học hỏi từ những người đạt được thành công tột đỉnh ở trong cuộc sống ở trước ngưỡng 40 tuổi. Một trong những người đó là người cố vấn hiện tại của tôi, thầy nói “Nếu tôi sống giống hầu hết mọi người, đó là một cuộc sống ngược tự nhiên. Bởi khi trẻ, có sức khỏe, ta lại ngồi hàng giờ liền trên máy tính, nhốt mình trong những văn phòng chật chội trong hàng chục năm trời. Rồi đến khi già cả, gối mỏi chân mòn thì mới xách ba lô lên mà đi du lịch. Đúng ra những việc ngồi một chỗ, ở một nơi phải dành cho những người không đủ sức để đi đây đi đó, còn trải nghiệm cuộc sống & thế giới phải để những người trẻ có sức khỏe làm”. Điều này tác động mạnh mẽ đến chàng thanh niên “tôi” lúc ấy, thôi thúc tôi phải tìm cách để mình trở nên thành đạt nhanh hơn, bền vững hơn, để rồi sẽ có cả sức khỏe lẫn tài chính làm những việc ý nghĩa hơn cho bản thân & xã hội, thay vì suốt ngày chỉ phải lo cơm áo gạo tiền”.

Bạn thân mến, nếu như bạn có những tâm tư giống tôi, thì dưới đây là 3 điều quan trọng mà tôi đã học và áp dụng từ những người đi trước để xây dựng sự nghiệp cho mình.

  1. Chọn đúng định hướng ngay từ đầu. Đối với tôi, cuộc sống rất ngắn ngủi, và tuổi trẻ lại càng ngắn ngủi hơn nữa. Tôi không muốn mình dùng những năm tháng thanh xuân để đem ra thử nghiệm nhiều định hướng khác nhau, để rồi đến khi tìm được định hướng đúng thì cũng đã hết thanh xuân. Điều này cay đắng và lãng phí giống như việc một người dành 5 năm đi học đại học để rồi ra trường không theo đuổi đúng chuyên ngành của mình.
    Trong hơn gần chục năm lập nghiệp, tôi chỉ tập trung làm đúng 2 việc, giờ hành chính phát triển sự nghiệp chuyên môn liên quan đến kỹ thuật, ngoài giờ phát triển kinh doanh riêng của mình theo hướng ECIN (E-Commerce + Internet Marketing + Network Building). Quyết định này được tôi đưa ra sau khi dùng 1 năm đầu tiên lập nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm qua nhiều hướng, để rồi bỏ qua tất cả những lựa chọn tốt và theo đuổi 1 lựa chọn tốt và phù hợp với mình nhất (hay với tôi nó là tốt nhất).
  2. Học nhiều hơn. Tốt nghiệp đại học không phải là dấu chấm hết cho việc học tập. Nó là cánh cửa để tôi bước vào trường đời. Khi còn đi học, mọi việc liên quan đến phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy đều được thầy cô và nhà trường sắp đặt, lên thời khóa biểu. Nhưng khi vào trường đời, tôi phải là người làm việc đó. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”, việc tiếp tục học tập và trau dồi năng lực bản thân giúp tôi làm mọi việc hiệu quả hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, và dĩ nhiên từ đó giúp tôi thăng tiến cao hơn.
    Ở đây, tôi không nói đến việc học để lấy bằng cấp, mặc dù bản thân tôi ngoài bằng đại học ra còn hàng tá các loại bằng khác. Quan điểm của tôi là học để có kiến thức giải quyết vấn đề hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Tôi tốt nghiệp đại học ngành điện tử viễn thông, sau đó lấy bằng cao học cùng chuyên ngành, điều này giúp tôi có nền tảng kiến thức vững vàng để theo đuổi sự nghiệp chuyên môn tốt hơn. Tôi có bằng về lập trình web và một vài bằng tin học căn bản ngay khi còn trên giảng đường đại học, vì tôi biết trong tương lai, việc kinh doanh của mình sẽ cần đến nó. Tôi cũng rèn luyện ngoại ngữ (tôi thi TOEIC 1 lần duy nhất và được tầm hơn 800 điểm cách đây hơn 5 năm, và đang bập bẹ học tiếng Tung Của), vì tôi muốn nghe, đọc và hiểu từ những bài giảng, những tài liệu chuyên môn của các thầy (thường sách chuyên môn đa phần không được dịch ra tiếng Việt).
    Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tôi không tiếp tục thâu tóm bằng cấp nữa, nhưng tôi vẫn bổ sung kiến thức cho mình hàng ngày, thông qua việc tiếp tục đọc sách & nghe bài giảng mỗi ngày (thường khung giờ từ 10h-11h tối với tôi là “giờ mài cưa”), đồng thời chịu khó quan sát học hỏi từ chính những người đồng nghiệp, thậm chí cả thế hệ đi sau mình.
  3. Làm việc nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, làm việc đủ hoặc ít hơn 8h/ngày chỉ giúp một người duy trì công việc của mình và có một cuộc sống trung bình. Muốn thăng tiến, một người cần phải làm việc nhiều hơn 8h/ngày với sự tập trung và tinh thần làm việc nghiêm túc. Thậm chí, nếu bạn nhìn thấy một tấm gương thành công nào đó làm việc ít hơn 8h/ngày, điều này có nghĩa người đó đã từng làm việc nhiều hơn 8h/ngày ở một giai đoạn nào đó trong quá khứ.
    Trong 5 năm đầu mới lập nghiệp, tôi đã làm việc liên tục không có cuối tuần, mỗi ngày tối thiểu 12h, thậm chí tối đa là 16h. Tôi đã từng ước mỗi ngày mình có thêm vài tiếng để làm việc. Có những thời điểm tôi chấp nhận mất cân bằng trong cuộc sống, như giảm bớt thời gian cho gia đình, ngủ ít hơn và không có thời gian để relax. Nhưng đó là điều tôi chấp nhận đánh đổi, để thời điểm hiện tại tôi không phải lao động quá 8h/ngày nhưng sự nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, đồng thời có nhiều thời gian hơn cho những việc cá nhân khác.
    Một người thầy của tôi chia sẻ về quy luật máy bay cất cánh, “khi trên đường băng, chiếc máy bay phải chạy tối đa công suất, tiêu tốn một nguồn nhiên liệu khổng lồ trong một quãng đường vài kilomet đầu tiển để có thể cất cánh và bay lên độ cao tối đa. Khi ở độ cao tối đa này, máy bay chỉ cần chạy với một công suất vừa phải, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn nhưng vẫn dễ dàng chinh phục quãng đường hàng nghìn kilomet”. Tôi đã áp dụng điều này để khiến sự nghiệp của mình cất cánh.

Bạn thân mến, nếu bạn đang đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp, hãy cùng chia sẻ với tôi một vài nguyên tắc lập nghiệp của bạn nhé, đặc biệt giai đoạn bạn đã nỗ lực thế nào để giúp “chiếc máy bay sự nghiệp” cất cánh. Hoặc nếu như bạn vẫn cảm thấy giống như mình vẫn đang trên đường băng, bạn có thể áp dụng thêm những nguyên tắc của tôi đã nêu ở trên, hoặc chia sẻ thêm cho tôi về những khó khăn bạn đang gặp phải nhé. Tôi tin tưởng rằng, cùng với nhau ta sẽ tạo nên những điều kỳ diệu cho sự nghiệp của bản thân và tạo nên những ảnh hưởng tốt đẹp đến cộng đồng.

Cho sự thành công của bạn.

Nguyễn Long Hải.

Check Also

Điều gì quyết định tương lai sự nghiệp?

Điều gì quyết định tương lai của một người trong từ 10 đến 20 năm ...

Loading Facebook Comments ...

Leave a Reply

Your email address will not be published.